Những năm qua, ngành thuỷ sản của Khánh Hoà đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành một trong 5 tỉnh xuất khẩu thủy sản mạnh của cả nước. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ năm 2021 đến nay, ngành thuỷ sản của Khánh Hoà đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển. Thủy sản hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, trị giá đạt hơn 729 triệu USD với 101.750 tấn các loại. 

Bên cạnh hoạt động khai thác hải sản, để nâng cao giá trị ngành nuôi trồng thuỷ sản, hướng tới xuất khẩu thuỷ sản với tiêu chuẩn cao, những năm qua, Khánh Hoà đã quan tâm đầu tư nghiên cứu nhiều nhiệm vụ khoa học phục vụ cho việc phát triển kinh tế biển. Trong đó, một trong những mũi nhọn của tỉnh là tập trung phát triển nuôi biển, nhất là nuôi biển công nghệ cao. 

nuôi biển khánh hoà.jpg
Một trong những mũi nhọn của ngành thuỷ sản tỉnh Khánh Hoà là tập trung phát triển nuôi biển, nhất là nuôi biển công nghệ cao.

Khánh Hoà là một trong những địa phương có số lượng cơ sở sản xuất và cung cấp giống thuỷ sản lớn tại khu vực miền Trung với đa dạng các loài có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá biển, tu hài, cua, hải sâm…

Năm 2023, tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng của tỉnh đạt hơn 17,5 nghìn tấn, tăng 4,9%. Năm 2023, toàn tỉnh cũng thả nuôi được gần 4830ha, các loại như cá giò, cá chẽm, tôm sú, tôm hùm, cá bớp, ốc hương, cá chim vây vàng… vẫn là đối tượng nuôi chủ lực.

Để tập trung phát triển nuôi biển công nghệ cao, tháng 2/2024, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao”.

Theo đề án, Khánh Hoà sẽ tập trung phát triển nuôi công nghệ cao vùng biển đến 3 hải lý vùng nước thuộc huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hoà và vịnh Nha Trang. Đồng thời sẽ áp dụng một số công nghệ nuôi biển như tổ hợp công nghệ lồng nổi HDPE có thể di chuyển, kết hợp công nghệ bổ trợ như cho ăn tự động, giám sát yếu tố môi trường tự động, năng lượng mặt trời, camera giám sát hoạt động của vật nuôi…

Mục tiêu của đề án phát triển nuôi biển tỉnh Khánh Hòa nhằm góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thuỷ sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thuỷ sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt, việc phát triển nuôi biển công nghệ cao của Khánh Hoà cũng nhằm thay đổi phương thức sản xuất của người dân trong nuôi trồng thủy sản với mục tiêu bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ; bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.

Hiện nay, tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp có liên quan thực hiện hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao và hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ cá thể và cá nhân triển khai các hoạt động nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết, qua 5 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, kinh tế biển của Khánh Hoà từng bước thay đổi về cơ cấu ngành, nghề theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển du lịch biển, đảo chất lượng cao và các đô thị biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, đảo. 

Một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ đó là thuỷ sản. Theo đó, giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển của Khánh Hòa chiếm khoảng 80% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm từ 35 - 44% giá trị xuất khẩu của tỉnh, đưa Khánh Hòa trở thành một trong 5 tỉnh xuất khẩu thủy sản mạnh của cả nước; kim ngạch xuất khẩu tàu biển chiếm khoảng 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh. 

Với đường bờ biển dài khoảng 385 km, Khánh Hòa có lợi thế phát triển bền vững các ngành kinh tế biển then chốt, trong đó phải kể ngành nuôi biển công nghệ cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, theo kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, Khánh Hoà đặt mục tiêu phát trển thuỷ sản thành ngành sản xuất hàng hoá xuất khẩu lớn với cơ cấu sản xất hợp lý, sản phẩm đa dạng; đồng thờời chú trọng bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản.

Theo đó, tỉnh sẽ phát triển ngành thủy sản toàn diện, bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu lớn. Có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, chất lượng, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; sản phẩm đa dạng phục vụ cho xuất khẩu và phát triển du lịch; gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển với bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản.

Khánh Hoà đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng thủy sản chiếm khoảng 61 - 62% cơ cấu toàn ngành nông nghiệp. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 700 - 725 triệu USD, tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm.

Hải Yến