Kích thích kinh tế địa phương

Đại dịch Covid-19 kéo dài hơn một năm qua ảnh hưởng trực tiếp ngành du lịch, để lại hậu quả nặng nề, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 79,5%, khách du lịch nội địa giảm 34,1%, ước tính tổng thu du lịch giảm 58,7%.

{keywords}
Tạo sức mạnh nội sinh quan trọng để trở thành điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc. Ảnh minh họa

Tận dụng giai đoạn dịch tạm lắng, năm 2020, ngành du lịch phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa, lần thứ nhất vào tháng 5 với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và lần thứ hai vào tháng 9 với chủ đề "Du lịch Việt Nam - an toàn, hấp dẫn". Việc kích cầu du lịch nội địa nhận được sự hưởng ứng của các địa phương, doanh nghiệp (DN). Các DN du lịch hoạt động trở lại, một số cơ sở vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm được mở cửa, không ít khách du lịch trong nước được trải nghiệm, khám phá các điểm du lịch hàng đầu, thụ hưởng dịch vụ vốn dành cho khách du lịch nước ngoài, với mức giá phải chăng.

Điều này giữ chân DN nhỏ hoạt động, kích thích kinh tế địa phương, góp phần giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh tới nền kinh tế nói chung. Dù dịch Covid-19 chưa chấm dứt hoàn toàn, song mỗi khi dịch được kiềm chế thì du lịch nội địa lại khởi sắc, giúp các DN du lịch khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại. Cũng nhờ đó, lượng khách nội địa trong tháng 5, 6, 7, 10, 11 năm 2020 tăng mạnh so tháng trước, tổng lượng khách năm 2020 đạt 56 triệu lượt, mang lại nguồn thu khoảng 312.200 tỷ đồng.

Đó là lý do ngành du lịch chuyển hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch nội địa, coi là giải pháp phục hồi hoạt động của DN du lịch, các ngành dịch vụ liên quan như hàng không, lưu trú, ăn uống…

Trong buổi tọa đàm "Du lịch Việt Nam 2021 - 2023 - Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ" mới đây, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, trong giai đoạn 2021 - 2023, Việt Nam lấy du lịch nội địa làm trọng tâm, cùng với đó làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi du lịch quốc tế. Việc cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa cũng là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi du lịch.

Đóng vai trò quan trọng

Thực tế cho thấy, trong khi du lịch nội địa đã chứng minh được vai trò vô cùng quan trọng thì một thời gian dài, nước ta vẫn tập trung phát triển du lịch quốc tế (còn gọi là du lịch quốc tế đến - Inbound Tourism), coi nhẹ du lịch nội địa.

Bởi vậy, một khi xác định du lịch nội địa là trọng tâm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung cần xác định rõ vai trò, vị trí của du lịch nội địa, định hướng khai thác tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để phục vụ người Việt Nam, điều tiết du lịch nội địa thay vì để phát triển tự phát, kéo gần lại khoảng cách giữa du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Các DN du lịch phải tạo điều kiện để người Việt Nam có thể tiếp cận dịch vụ chất lượng cao, xây dựng sản phẩm, nghiên cứu thói quen, sở thích của du khách trong nước, bảo đảm an ninh, an toàn, tiện lợi…

Việc đẩy mạnh khai thác và khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa, nâng dần tỷ lệ đóng góp của khách du lịch nội địa vào tổng thu du lịch của đất nước không phải là bước đi tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh mà là hướng phát triển bền vững. Du lịch nội địa vừa là động lực để phục hồi du lịch nói chung, trong đó có việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế, vừa thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Quốc Huy