Việc huy động vốn trên thị trường cổ phiếu còn hạn chế, mất cân đối. Đáng chú ý, vốn huy động phần lớn tập trung vào ngành bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán, chiếm 66% tổng giá trị cổ phiếu phát hành (năm 2020: 62,6%, 6 tháng đầu năm 2022 tương ứng là 68,6%).
Đối mặt với rất nhiều những khó khăn, thách thức của bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước, song TTTC Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Đặt mục tiêu phát triển TTTC an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững theo hướng hoàn thiện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tới đây, theo TS. Vũ Nhữ Thăng, các cơ quan quản lý cần chú trọng đến một số định hướng trọng tâm.
Theo đó, cần phát triển thị trường vốn theo chiều sâu nhằm gia tăng vốn trung và dài hạn, phục vụ phát triển kinh tế. Thị trường vốn cần được phát triển ổn định, bền vững với cơ cấu hợp lý giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, TPCP và TPDN; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế. Chú trọng phát triển thị trường TPDN để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.
Tiếp tục tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tài chính, đặc biệt là hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, hệ thống các TCTD cần được cơ cấu lại gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán cần được cơ cấu lại thông qua việc tiến hành rà soát, đánh giá phân loại các tổ chức này theo chất lượng tài chính và khả năng cung cấp dịch và trên cơ sở mức độ rủi ro đối với thị trường.
Bên cạnh đó, hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng cần được đổi mới; năng lực tài chính, quản trị rủi ro cần được nâng cao theo thông lệ quốc tế, nhằm tăng cao sức cạnh tranh, bảo vệ tối đa tài sản và quyền lợi của các nhà đầu tư. Các định chế tài chính nhà nước cần được tái cơ cấu toàn diện. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng của các định chế tài chính nhà nước cần được tăng cường nhằm đảm bảo các tổ chức này hoạt động đúng mục tiêu và hạn chế rủi ro trong thời gian tới.
Ngoài ra, cần phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại theo xu hướng của quốc tế về tài chính toàn diện, công nghệ tài chính. Trong xu hướng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ tài chính, ngân hàng, để tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, cần bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng. “Tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” cần được phát triển để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững.
Thời gian tới, công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính cần được tăng cường triển khai. Năng lực giám sát cần được củng cố và nâng cao theo hướng xây dựng hệ thống giám sát dựa trên rủi ro, cảnh báo sớm rủi ro, cơ chế xử lý khủng hoảng hệ thống và xử lý các định chế tài chính tiềm ẩn rủi ro cao nhằm bảo vệ sự an toàn của hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó, cần phát triển cơ sở hạ tầng tài chính đồng bộ, hiện đại, từng bước theo hướng phát triển chung của thế giới. Hệ thống các quy định pháp lý cần được tiếp tục hoàn thiện, hướng tới các chuẩn mực quốc tế tốt nhất và phù hợp với trình độ phát triển của TTTC Việt Nam như: Áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS, IFRS), nguyên tắc quản trị điều hành...
Thanh Thủy, Hồng Hạnh, Bích Thủy