- Đã 2 năm liên tiếp kể từ khi tình trạng nghẽn mạng website bán vé tàu xảy ra. Nó không khác gì một mệnh đề “điều điện đủ” để từ đó, “cò” vé, “phe” vé hoàn thành nhiệm vụ gõ đầu những “con mồi”, là những người dân đang thấp thỏm tìm cho mình được tấm vé về quê dịp Tết.

Vé tàu Tết khó đặt bằng kênh chính thức đã đẩy giá vé chợ đen tăng cao. “Cò” vé nhân cơ hội hoạt động rầm rộ do chênh lệch tăng theo từng ngày, từ sau khi nhà ga mở bán.

Vé chợ đen chênh lệch từ 2 - 500 nghìn/đồng  

Câu chuyện của anh Nguyễn Minh Tùng (37 tuổi, ngụ quận 12) khi đi mua vé tàu Tết có thể trở thành minh chứng “thê thảm” nhất cho hành trình đặt vé. 8h sáng, khi gặp chúng tôi, anh Tùng ngồi sụp mắt, gân cổ hét qua điện thoại với vợ: “Không về nhà nội nữa, đặt vé mệt lắm, để tôi mua vé về nhà ngoại”.

Kể với PV VietNamNet, anh Tùng cho biết đã 2 ngày bỏ việc để chăm chăm vào cái vụ đặt vé cho cả nhà về quê ăn tết với bố mẹ ở Hà Nội. Tuy nhiên, do không thạo vi tính và website lại bị nghẽn mạng nên loay hoay 2 ngày vẫn không đặt được.

Người dân khổ sở chờ mua vé.
 
Sau khi quyết định không về quê nội nữa, anh Tùng mới tất tả đi đặt vé về quê vợ ở Quy Nhơn. Sau gần 6 giờ ngồi đợi chưa tới lượt, anh gần như tuyệt vọng với kế hoạch về quê của gia đình vì nhà ga thông báo “Hết vé”.

Lý do, từ khoảng 15h ngày 12/12, số chỗ ngồi từ ga Sài Gòn đi các ga khu vực miền Trung, trong đó có Quy Nhơn, Quảng Ngãi ở các ngày cao điểm đã hết do nhu cầu quá lớn, hơn một nửa số chỗ đã được dành ưu tiên cho bán vé đường dài. Hết cách, sáng ngày 13/12 anh tìm đến “cò” vé.
 
Một “cò” nữ tự giới thiệu tên M. tuyên bố: “Anh mua vé nào cũng có, vé đi vào mấy ngày giáp Tết mắc hơn chút đỉnh thôi”. Anh Tùng hỏi vé về Hà Nội ngày 01/02/2013 (21 tháng Chạp), “cò” bấm điện thoại một lúc rồi giở sổ tay ra báo giá: “Ghế ngồi cứng có máy lạnh tui lấy 1,6 triệu/1 vé. Còn nếu thích đi loại xịn nhất là nằm mềm có máy lạnh khoang 4 giường thì 2,3 triệu. Chiều mai có vé’.
 
So với bảng giá của ga Sài Gòn, giá vé “chợ đen” chênh lệch từ 200- 300 ngàn đồng 1 vé. Các ngày cao điểm khan vé, chênh lệch lên tới 500 ngàn đồng. Một gia đình 4 người nếu mua vé “chợ đen” đi đường dài vào ngày cao điểm Tết có thể bị mất thêm cả triệu đồng, số tiền không phải nhỏ trong thời buổi khó khăn.

Coi chừng “ăn” vé giả
 
Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn trong lần tiếp phóng viên các báo cho biết, công an phường 9, quận 3 xuống “lùa” cò vé trước ga “chạy mất dép”. Câu chuyện làm ai có mặt ngồi nghe đều rất vui tai, cũng bởi ông Thành vốn là người dễ gần, thật chuyện.

Nhưng, vấn đề ở chỗ sau khi “cò” vé “chạy mất dép” rồi tình hình sẽ ra sao, có thay đổi gì không? Sự thật đáng buồn là chẳng sao. Các đàn “cò’ vẫn “quăng bom”, “chém gió” tưng bừng ở “Phòng bán vé ga Sài Gòn 2” như cách gọi của nhiều người về khu vực không chính thống này ở cổng nhà ga chính. 

“Cò” vé công khai hoạt động rầm rộ trước ga Sài Gòn không khác gì một địa điểm bán vé chính thức.
 
Có “cò” thấy người dân đi từ trong ga ra mặt buồn buồn, dáng thất thểu, đoán được ngay không mua được vé nên lao đến tung chiêu: “Cô mua vé về đâu, ghế loại nào báo tôi biết mai lấy vé” hay “Ở đây tụi tôi làm ăn đàng hoàng, vé Tết có khi cả 2, 3 triệu đồng tụi tôi chỉ cần đặt cọc có mấy trăm ngàn thôi”..v.v..
 
Đánh vào tâm lý lo lắng hết vé của người dân sau khi xảy ra tình trạng đặt vé qua mạng không được, “cò” vé đã hoạt động rầm rộ. Theo ghi nhận có đến  gần 20 đối tượng “cò” vé túc trực trên đường vào ga Sài Gòn.
 
Đại diện ga Sài Gòn nhắc lại bài học xảy ra vào mùa Tết trước khi người dân dính bẫy vé tàu giả của các đối tượng lừa đảo. Trước đó, từ một hành khách đổi trả vé tàu hành trình Vinh- Sài Gòn, cảnh sát đã phát hiện đường dây chuyên làm vé tàu giả bằng cách scan vé thật. Các đối tượng bị bắt khai nhận đã bán trót lọt hơn 30 vé tàu.
 
Ngoài ra, tội phạm còn sử dụng vé thật, cạo sửa, đánh bay chữ rồi dập chữ mới lên vé tàu. Mức độ chuyên nghiệp của chúng “siêu” đến nỗi phải nhìn thật kỹ và sờ vào mặt vé mới thấy dấu hiệu khác thường.
 
Dù rủi ro cao nhưng nhiều người dân vẫn phải chấp nhận mua vé chợ đen vì hệ thống bán vé của nhà ga không đáp ứng được nhu cầu. Số người giao dịch với “cò” vé nhiều đến nỗi một “cò” cao tuổi ngồi cà phê vỉa hè trước ga hớn hở tuyên bố: “Chỗ này chỉ thiếu mỗi cái bảng Phòng bán vé ga Sài Gòn 2”.
 
Minh Dũng