Các hành động tưởng như ngẫu nhiên nhưng lại theo đuổi một chiến lược cụ thể theo hai định hướng chính: thứ nhất là cố gắng xác lập chủ quyền trên thực địa, và thứ hai là khẳng định chủ quyền trên mặt pháp lý.

'Ưu thế thực địa'

Từ năm 2009 đến nay, tình hình biển Đông đang ngày càng căng thẳng do các hành động của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền như cấm tàu, cấm khai thác, tuyên bố thành lập Tam Sa, cho tàu đi quấy nhiễu ở các vùng biển của các nước. Các hành động tưởng như ngẫu nhiên nhưng lại theo đuổi một chiến lược cụ thể theo hai định hướng chính: thứ nhất là cố gắng xác lập chủ quyền trên thực địa, và thứ hai là khẳng định chủ quyền trên mặt pháp lý.

Phương pháp xác định chủ quyền thực địa của Trung Quốc mang đầy những toan tính chiến lược. Việc đưa các tàu đánh cá của mình đến các khu vực xung quanh Hoàng Sa hay Trường Sa cốt yếu nhằm từ từ xác lập một "ưu thế thực địa" có lợi trong tương lai, bên cạnh khai thác tài nguyên.

Trong bối cảnh các quốc gia tranh chấp chủ yếu khác như Việt Nam hay Philippines không có một đội tàu đánh bắt hiện đại, không được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các lực lượng chấp pháp biển bán quân sự như các đội tàu Hải Giám và Ngư Chính, sẽ không thể duy trì sự hiện diện thường xuyên và liên tục, thì việc làm này của Trung Quốc sẽ từ từ biến các vùng biển đó thành "vùng biển lịch sử" sau này.

Bên cạnh sự hiện diện thường trực như vậy, sự kiện các tàu khảo sát Bình Minh hay Viking của Việt Nam bị phía Trung Quốc "cắt cáp" cũng cho thấy một bước thăm dò khác của họ, đó là biến những vùng không tranh chấp thành tranh chấp.

 

Ảnh: Diplomat

Rõ ràng các khu vực đó thuộc chủ quyền của Việt Nam, tuy nhiên Bắc Kinh lại tiến hành các hoạt động "ngăn chặn" trên thực địa cũng như phản đối trên các kênh ngoại giao một cách mạnh mẽ. Điều này vô hình chung khiến cho cả thế giới ngộ nhận rằng vùng biển đó đang có tranh chấp.

Các căng thẳng tại bãi cạn Scarborough gần đây hay vụ CNOOC tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí cũng nằm trong chiến lược tương tự.

Để đáp lại Luật biển của Việt Nam, Thành phố cấp địa khu Tam Sa được thành lập, các dự án du lịch ra Hoàng Sa hay phủ sóng phát thanh và phát hình toàn bộ khu Tam Sa cho thấy kế hoạch gia tăng căng thẳng đến mức độ gây chú ý cho thế giới.

Với sức mạnh "cơ bắp", Trung Quốc dễ dàng chèn ép các nước khác và tiến hành những bước đi này một cách thuận lợi.

Giải thích luật quốc tế cho hợp tham vọng bành trướng

Về mặt pháp lý, quá trình khẳng định chủ quyền thông qua luật của Bắc Kinh bắt đầu được thể hiện rõ nét kể từ năm 2009. Lý lẽ "vùng nước lịch sử" là cơ sở pháp lý để Trung Quốc khẳng định vùng nước bên trong "đường lưỡi bò" bao trùm hơn 80% biển Đông là thuộc chủ quyền của mình.

Trung Quốc lập luận rằng các triều đại Trung Hoa cổ xưa đến tận nhà Hán đã có sự hiện diện tại khu vực thông qua các cuốn sách lịch sử cổ với những từ ngữ được viết mơ hồ, được thêm thắt. Điều này hiển nhiên gây nên tranh cãi rất lớn.

Tiếp đó, Trung Quốc xem tất cả các bãi đá ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có quy chế như một "quốc gia quần đảo" để tiến hành mở rộng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Theo UNCLOS, chỉ những đảo phù hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng mới được hưởng chế độ pháp lý của đảo như lãnh thổ đất liền. Việc này khiến cho toàn bộ khu vực biển Đông xuất phát từ Hoàng Sa và Trường Sa đầu nằm trong khái niệm "vùng nước lịch sử" của Bắc Kinh, và vùng nước này chỉ cách một số bờ biển của các quốc gia khác vài chục cây số.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc tiếp tục định nghĩa lại EEZ sao cho phù hợp nhất với tham vọng bành trướng. Cụ thể là Bắc Kinh đã tuyên bố các quốc gia khác cần phải xin phép để được thực hiện "quyền đi lại" qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc.

Bằng phương pháp "tự diễn giải", tất cả các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đều đã được "biến hóa", tạo thành một hệ thống khá chặt chẽ dựa vào luật quốc tế mà điển hình ở đây là UNCLOS, khiến cho việc đôi co lý lẽ với nước này trở nên thực sự khó khăn.

Đụng chạm và mềm hóa

Tuy nhiên, các hành động thực thi chủ quyền đơn phương của Trung Quốc trên thực tế đang đụng chạm lợi ích của rất nhiều nước, trong đó có các cường quốc như Mỹ hay Ấn Độ. Vụ va chạm giữa tàu Impeccable của Mỹ và tàu Trung Quốc vào năm 2009 là lời cảnh báo cho sự vi phạm nghiêm trọng "quyền tự do hàng hải" ở EEZ của Trung Quốc.

Ngay cả Ấn Độ gần đây cũng lên tiếng quan ngại như lời Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae: "Toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương trải dài từ bờ biển Đông Phi đến Biển Đông có ý nghĩa quyết định đối với ngành ngoại thương, năng lượng và an ninh quốc gia của Ấn Độ. Như mọi người thường nói, trọng lực kinh tế của thế giới đang dịch chuyển về đây và các khuôn khổ mới trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh đang được xây dựng. Ấn Độ tự coi mình là một phần không thể tách rời của khu vực và sự phát triển đó".

Còn với chiêu bài pháp lý, một hệ thống chuẩn tắc và thông lệ chỉ có thể được "mềm hóa" hay chỉnh sửa nếu trong quá trình phát triển có những va chạm ngược chiều với lợi ích thực tiễn từ cuộc sống.

Tự do hàng hải từ lâu vốn là cái gốc của các hoạt động trên đại dương. Cái gốc này được củng cố  từ thực tế hợp tác giao thương kinh tế giữa các châu lục ngày càng liên kết. Yếu tố "mở" của quy chế đại dương khiến cho các nỗ lực "tự tạo ranh giới" bằng lá bài pháp lý trở nên không phù hợp.

Với sự trỗi dậy về kinh tế, lẫn quân sự, thay vì đứng ra gánh vác thêm trách nhiệm cung cấp "hàng hóa công" tại biển Đông như đảm bảo hòa bình và ổn định, tự do hàng hải, chống cướp biển hay hợp tác khai thác-bảo vệ tài nguyên biển theo hướng bền vững, các hành động tự khẳng định chủ quyền đơn phương, không tuân thủ tinh thần UNCLOS không đưa ra một giải pháp nào cho biển Đông của Trung Quốc, mà chỉ làm tình hình tranh chấp phức tạp hơn.

Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các quốc gia ASEAN, hơn thế nữa, điều này còn hủy hoại hình ảnh của Trung Quốc với lời hứa "trỗi dậy hay phát triển hoàn bình" trong con mắt của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Còn đối với Việt Nam, đã đến lúc cần kiên quyết định hướng mối quan hệ với Trung Quốc theo phương châm "đối tượng-đối tác" theo Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa IX). Theo đó câu hỏi liệu nên xem một quốc gia nào đó là người bạn hợp tác (đối tác) hay mục tiêu đấu tranh (đối tượng) sẽ tùy vào thái độ của họ với các vấn đề thuộc về lợi ích của Việt Nam.

Trung Quốc là một đối tác quan trọng của Việt Nam xét trên tất cả các khía cạnh từ lịch sử, kinh tế đến góc nhìn địa chính trị, nhưng những hành động xác quyết chủ quyền trên thực tế và pháp lý có nhiều ý đồ chiếm trọn biển Đông gần đây đang dần chứng minh rằng họ cũng là đối tượng mà chúng ta cần suy nghĩ đối sách hiệu quả để đương đầu.

Nguyễn Chính Tâm - Vũ Thành Công