Tổng thống Benigno Aquino cho biết, Philippines có thể mua hai phi đội máy bay quân sự trị giá 1,6 tỉ USD, đẩy mạnh tốc độ hiện đại hóa quân sự trong bối cảnh có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Philippines cấm đánh cá ở vùng tranh chấp
Ngư dân TQ-Philippines: Tranh chấp làm mất tình đi biển
Ảnh: wordpress |
Chính phủ có thể mua máy bay đào tạo mới khoảng 400-800 triệu USD/phi đội, sau đó nâng cấp thành máy bay chiến đấu, ông Aquino nói. Người bán là một "quốc gia hiện đại" và không phải Mỹ - đồng minh thân cận.
“Nó có thể từ châu Âu, hoặc nơi nào đó gần hơn", lãnh đạo Philippines cho biết. “Lực lượng vũ trang Philippines đang nghiên cứu để kế hoạch hiệu quả hơn".
Chính quyền của ông Aquino đang theo đuổi kế hoạch nâng cấp quân sự. Đây là một phần nỗ lực ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa bên ngoài và tranh chấp lãnh thổ bao gồm cả tình hình căng thẳng ngày một gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
“Bế tắc với Trung Quốc đặt ra yêu cầu cấp bách phòng thủ với bên ngoài", Ramon Casiple, giám đốc điều hành Viện Cải cách chính trị và bầu cử tại Manila nói. "Có hàng loạt vấn đề lãnh thổ cần tới lực lượng phòng thủ đáng tin cậy, không chỉ là về bãi cạn".
Trong cuộc phỏng vấn ngày 4/5, ông Aquino nhấn mạnh, Philippines đã tập trung vào việc xử lý vấn đề quân nổi dậy và tình trạng vô luật pháp nên khả năng phản ứng với những mối đe dọa bên ngoài "đã giảm đi rất nhiều".
Trung Quốc đang ngày càng quả quyết hơn trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ, nước có hiệp ước phòng thủ chung với Philippines đã thay đổi chiến lược quân sự hướng nhiều hơn tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vụ đụng độ mới nhất xảy ra ở Biển Đông là xung quanh một bãi cạn mà Philippines gọi là bãi cạn Panatag còn Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham. Sự cố bắt đầu từ tháng 4 khi tàu Trung Quốc ngăn không cho phía Philippines bắt giữ các ngư dân. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng thống Aquino đã nhắc lại về chủ quyền của Philippines với bãi cạn. “Đó là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi và chúng tôi cần bảo vệ giữ gìn tài sản theo hiến pháp của chúng tôi", ông nói.
Ông Aquino cho hay, Philippines dự kiến mua 10 trực thăng mới và 21 chiếc nâng cấp trong năm nay cho mục tiêu giám sát hàng hải. Philippines đã ký thỏa thuận 5 năm với Italy hồi đầu năm nay để mua các thiết bị quân sự.
Hồi đầu tháng, Philippines cho biết đã đề nghị Mỹ cung cấp cho lực lượng vũ trang nước này các tàu tuần tiễu, máy bay và các hệ thống rađa trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc leo thang.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario chỉ rõ các vũ khí hạng nặng sẽ giúp nước ông đạt được "khả năng phòng thủ tin cậy tối thiểu", cụm từ mà ông đã sử dụng trong cuộc đàm phán chưa có tiền lệ với các quan chức cấp cao của Mỹ tại Washington trong khuôn khổ phiên họp cấp cao chung đầu tiên về an ninh.
Ông del Rosario khẳng định: "Chúng tôi cần ngăn cản mọi cuộc xâm nhập tiếp theo vào các vùng biển mà chúng tôi có quyền chủ quyền. Chúng tôi đang đệ trình một danh mục các vũ khí hạng nặng mà Mỹ có thể giúp chúng tôi, dưới dạng các tàu tuần tiễu, máy bay tuần tra, hệ thống rađa và các trạm theo dõi bờ biển. Chúng tôi đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đối tác quốc tế khác, những nước cũng rất sẵn lòng giúp đỡ".
Thái An (theo Bloomberg)