Dịp tháng 7 năm 2015, bộ phim ngắn “Nghệ An trong mắt một người bạn Mỹ” vừa xuất hiện trên YouTube đã ngay lập tức khiến cộng đồng mạng xôn xao. Bộ phim này chỉ có thời lượng chừng 5 phút, do thầy giáo dạy Tiếng Anh tên là Dustin Gerding cùng một cộng sự người Việt thực hiện.

Phải nói ngay rằng, người làm phim không chủ ý đưa ra một điều gì mới mẻ, cũng không thực hành một kỹ xảo đặc sắc, không sử dụng âm nhạc hay lời bình tuyệt tác nào. Vậy tại sao bộ phim được đón xem và xem nhiều đến thế, trong khi lâu nay biết bao phim ngắn, phim dài, phóng sự ngắn hay phim tài liệu, chương trình quảng bá nọ, xúc tiến kia từng quảng bá về miền đất này, mà nếu nhìn kỹ lại sẽ cho thấy mọi thứ đã trôi đi tuồn tuột, không để lại dấu ấn đáng kể nào trong nhận thức, tình cảm của người trong và ngoài tỉnh, chưa kể ở nước ngoài!

Phải chăng, đó là câu chuyện quảng bá hình ảnh, thương hiệu mà lâu nay đâu đâu cũng nói, cũng làm. Nhưng làm thế nào cho hiệu quả, ít tốn kém, thu hút được người nghe, người xem gần xa thì lại là điều ít được quan tâm, rút kinh nghiệm đến nơi đến chốn.

***

Trong một chuyến công tác địa phương, trước khi vào gặp gỡ và tiếp xúc với lãnh đạo, chúng tôi được quán triệt, đại ý: Các vị thông cảm cho, chịu khó ngồi nghe ghi chép giúp, rồi là về đây thể nào cũng có màn báo cáo đặc điểm tình hình, thuận lợi khó khăn của địa phương, những kết quả đạt được trên các mũi, mặt, trên các vùng miền, phương hướng tới và thể nào cũng có màn kiến nghị…

Quả đúng như vậy, lãnh đạo nọ tỏ ra nắm chắc tình hình địa phương, một mạch nói vo, không cần giấy tờ về vô số các con số to nhỏ lớn bé, phần trăm phần nghìn, so sánh, đánh giá…với thời gian cả tiếng đồng hồ, không cần biết phía dưới than ngắn, thở dài, bụng réo sung sục.

{keywords}
Thành phố Vinh- tỉnh Nghệ An. 

Tất nhiên là ai ai cũng nghe và ghi hết, đoàn chúng tôi rồi đoàn nọ, đoàn kia cũng sẽ nghe hết, ghi hết. Nhưng ai mà biết được điều gì đọng lại sau đó, như cách vị trưởng đoàn chắc đã được nghe nhiều nơi, lặp đi lặp lại, nên đã nhỏ nhẹ rào trước đón sau với mọi người vốn cũng không xa lạ gì với những tình huống quen mặt hàng ngày đây đó.

Có người đặt câu hỏi: Giá như màn nói vo thuộc làu như cháo chảy đó được thay bằng bộ phim ngắn 5 phút với cách làm mới mẻ, sinh động và đi vào lòng người như bộ phim nói ở đầu bài? Hoặc một cách chào hỏi, giới thiệu thiết thực, dễ lôi cuốn nào đó? Việc này có đến mức không làm được, không làm nổi không nhỉ?

Rồi nữa, có lần tôi được nghe một vị lãnh đạo kể rằng, địa phương A tổ chức một sự kiện văn hóa lớn, có tầm cỡ và ông là người có trách nhiệm phê duyệt dự toán của sự kiện đó. Vui nhất là sự kiện chưa bàn xong xuôi đã có khá nhiều người đến “đặt cọc”, đặt chỗ, ai cũng có “địa chỉ tin cậy” gửi gắm. Vui thứ hai là khi cùng nhau ngồi đánh giá, tính toán lại tất cả các hạng mục, với vai trò, trách nhiệm đặt ra, chính ông đã kiên quyết gạt bỏ gần một nửa số kinh phí mà công ty tổ chức sự kiện kia “vẽ” ra, nhưng họ vẫn gật, vẫn đồng ý tiến hành!

Ban đầu, việc tổ chức những đêm diễn hoành tráng, những màn sử thi rực lửa với hàng trăm diễn viên…cũng mang lại hiệu ứng tích cực nào đó. Nhưng sau đó là tràn lan, phổ cập và nhàm chán. Các sự kiện đều có kịch bản na ná như nhau, chương hồi, phân cảnh xem là biết đã nghe đâu đó; diễn viên, đạo cụ, lời bình, giọng xướng ngôn viên, bài hát, múa phụ họa, ánh sáng…lên sóng phút nào là tiền tỷ phút đó. Tất cả chỉ biểu diễn một lần nên cố phát bằng được lên sóng truyền hình quốc gia hay địa phương, cấm có thấy phát lại, sử dụng lại bao giờ.

Hiệu quả, kết quả đâu chưa biết, chỉ biết chắc là tốn kém, lãng phí, “xót” tiền dân. Ai đó nếu chịu khó đo đếm số lượt xem các chương trình kiểu này sẽ thấy còn lâu mới thu hút được người xem, lượt xem như bộ phim ngắn 5 phút triệu lượt xem nói trên, dù mọi sự so sánh là khập khiễng!

Chưa kể việc người viết có lần đến làm việc ở một sở nọ, gần nơi để xe của khách thấy ngồn ngộn cả một núi trang phục xanh xanh, hồng hồng vứt lổng chổng. Bác bảo vệ nháy mắt, vừa chỉ dẫn cho khách vừa “diễn” như trên sân khấu với giọng điệu ê a thảm hại: “Sản phẩm” hôm kỷ niệm đới, lần nào về chả vứt đó, ít nữa rách nát mục ra lại sai tớ dọn, lại bẩu để mãi đó đứa nào ngứa mắt quay clip, lên mạng xã hội thì tha hồ mà giải trình, báo cáo với kiểm điểm, nước mắt ngắn, nước mắt dài, đến nước í thì chết cả nút…

***

Tôi có người bạn cùng cơ quan ở Vinh, nhà mở hàng cháo lươn dễ có đến vài ba chục năm nay, làm ăn ngày một phát đạt. Mới đây, thấy bạn rất vui, khoe nổ trời trên mạng xã hội rằng “Cháo lươn bà Ngọ sắp lên VTV1, buổi sáng  ngày…mời mọi người đón xem!” Vui thật chứ chẳng chơi, cháo lươn Vinh nhiều nhà hàng ngon lắm, hút khách lắm. Ai ai đến Vinh mà không tìm đến món cháo lươn (hay lươn cháo) mỗi sáng, chưa kể dạo này nhà hàng nào cũng có dịch vụ đóng thùng đưa hàng đi muôn nơi theo nhu cầu của thực khách.

Tôi gọi điện về chúc mừng bạn, không quên nói thêm, đại ý: cháo lươn bà Ngọ mà mở ở Hà Nội hẳn là dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều đã được Thủ tướng và Chủ tịch Hà Nội cho phép mở quầy ở Cung hữu nghị Việt-Xô phục vụ phóng viên báo chí quốc tế đấy! Biết bao giờ Vinh ta có sự kiện lớn, những hàng cháo lươn Vinh, cháo nghêu, mực nháy Cửa Lò, Cửa Hội, dê thui, cá mòi Nam Đàn, bánh đa Đô Lương…lũ lượt kéo nhau về trẩy hội, đón thực khách tứ phương theo yêu cầu của huyện, của tỉnh nhỉ?

Quả đúng vậy, những sư kiện đó phải được xem là những cơ hội để tổ chức quảng bá một cách chủ động, mở lòng chào đón bạn bè, du khách gần xa. Chắc chắn ai ai cũng biết, món ‘bún chả Obama” ở Hà Nội đã được biết đến và quảng bá tốt như thế nào sau sự kiện Tổng thống Mỹ đến dùng bữa. Ở đây, chất lượng thương hiệu tất nhiên là yếu tố quyết định, nhưng cách làm cũng quan trọng không kém, khi nó được gắn với một tên tuổi lớn trong đời sống chính trị thế giới với một hành động được xem là hiếm thấy và độc đáo trong con mắt trầm trồ, thán phục của nhiều người!

Trở lại với câu chuyện bộ phim ngắn “Nghệ An trong mắt một người bạn Mỹ” và các câu chuyện tản mạn về quảng bá hình ảnh, thương hiệu, điều người viết quan tâm là cách làm hiện nay nên được đổi mới, được triển khai như thế nào cho hiệu quả, cho thiết thực?

Người bạn Mỹ với cách nhìn mới mẻ về các địa danh du lịch ở Nghệ An, bằng các cảnh quay từ trên cao mượt mà, gợi cảm, âm nhạc thúc dục, cuốn hút và chỉ với vài lời bình khiến ai cũng không thể nào quên “Có thể bản thân tôi là người Mỹ. Nhưng trái tim tôi mãi mãi thuộc về Việt Nam”.

Con số hàng triệu lượt xem bộ phim đó trên YouTube, trên Facebook, trên các báo điện tử đã nói lên tất cả và chắc chắn số tiền đầu tư cho bộ phim này chỉ là con số nhỏ bé, không thể so với việc đầu tư hàng triệu USD để phát sóng một lượt mấy giây trên CNN hay cơ quan truyền thông quốc tế nào đó dù mỗi việc làm có thể mang lại lại hiệu quả riêng.

Ai ai cũng biết người Hàn Quốc quảng bá tốt như nhế nào qua văn hóa, qua từng bộ phim dài tập thu hút đông đảo người xem, trong đó có người Việt Nam. Một sự kiện World Cup có thể được tận dụng để quảng bá không chỉ bóng đá mà còn nhiều nội dung khác nữa, kể cả sự xuất hiện với những hành động nổi bật của nữ Tổng thống Croatia. Các sự kiện lớn như APEC, Thượng đỉnh Mỹ - Triều… cũng đã và đang được phát huy mạnh mẽ để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Đó là những điều cần suy nghĩ, không thể để mãi tình trạng tự ai nấy làm hoặc làm theo kiểu cách cũ, trôi tuồn tuột, chỉ vì trước, trong và sau khi làm đã không có được điều cốt tử như người bạn Mỹ từng thổ lộ “Trái tim tôi mãi mãi thuộc về Việt Nam”.

Bùi Sỹ Hoa