- Có khoảng 14 phim được tung vào các rạp chiếu trên khắp cả nước, đưa Tết 2014 trở thành mùa phim cạnh tranh khốc liệt nhất so với các mùa tết trước.

Riêng phim Việt, con số không dừng lại ở 4 phim như hai năm trước mà đã tăng đến 7 phim. Một nửa phim còn lại đến từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ, nhưng hầu hết đều không phải là đối thủ của phim Việt, trong một mùa mà khán giả luôn dành ưu ái cho điện ảnh nước nhà.

{keywords}
Vân Trang trong phim Cô dâu đại chiến 2

Hai đối thủ

Vào lúc không khí vui xuân tràn ngập khắp nẻo đường, phòng vé rạp chiếu sẽ lại bùng nổ lần nữa, dù chỉ trong một thời đoạn ngắn so với mùa hè, tức gồm hai tuần trước và sau tết. Tổng doanh thu của các phim chiếu suốt dịp tết năm ngoái được nói đã gần chạm mức 120 tỷ đồng. Do số rạp chiếu, phòng chiếu tiếp tục tăng mạnh trong năm qua, nên phòng vé phim Tết hoàn toàn có thể đạt khoảng 140 - 150 tỷ đồng trong năm nay.

Nhưng điều đó không có nghĩa tất cả các phim được dự phần vào "chiếc bánh" phòng vé tết yên tâm dắt tay nhau cùng thắng. Thực tế mùa tết trước cho thấy, tổng doanh thu của hai phim thành công nhất (Mỹ nhân kếNhà có 5 nàng tiên) đã chiếm trên 100 tỷ đồng, các phim còn lại chia nhau một phần doanh thu rất nhỏ. Tình hình được dự báo sẽ lặp lại trong năm nay với hai đối thủ mạnh nhất là Cô dâu đại chiến 2 Năm sau con lại về.

{keywords}
Hoài Linh trong Năm sau con lại về

Năm sau con lại về tiếp tục cách làm "độc quyền Hoài Linh trên màn ảnh Tết" của Nhà có năm nàng tiên (cả hai phim cùng một nhà sản xuất). Phim này dựa trên một kịch bản đã từng được dựng trên sân khấu kịch ở Sài Gòn, kể chuyện đôi vợ chồng già muốn giữ thể diện cho con trai trước cô vợ Việt kiều, bèn bày ra màn kịch “trúng số độc đắc” để dàn dựng gia cảnh giàu có cho tới khi bị cô con dâu phát hiện.

Nếu tính cả thành công của Hello cô Ba hồi năm 2011, Hoài Linh cho thấy anh là ngôi sao không có đối thủ trên màn ảnh Việt vào những lúc khán giả muốn tiếng cười hơn là tiếng khóc. Sức mạnh khiến nhà sản xuất tự tin đến mức không cần quảng bá, truyền thông cho phim.

Riêng Cô dâu đại chiến 2 tập hợp một sức mạnh tổng hợp thường thấy trong công thức làm phim thương mại kiểu Hollywood. Phim ăn theo phần đầu vốn đã rất ăn khách, quy tụ dàn sao nữ xinh đẹp (Vân Trang, Lê Khánh, Lan Phương, Yu Dương, Maya) và được dàn dựng bởi đạo diễn chắc tay Victor Vũ. “Trong phim mới, tôi muốn các cô gái của tôi sẽ là những thợ săn tài tình chứ không chỉ đơn thuần là “con mồi ngoan hiền” như ở phần trước”, Victor Vũ cho biết.

Ba ẩn số

{keywords}
Thúy Nga trong phim Hai lúa.

Tình hình dự báo trên những điều kiện lý tưởng là vậy. Và dĩ nhiên, thị trường vẫn còn những ẩn số nằm ở các phim thuộc chiếu dưới, gồm: Hai lúa, Cưới chạy Cuộc chiến với chằn tinh. Cả hai phim đầu đều có chung "công thức Phước Sang" qua lối làm phim có nội dung gồm nhiều mảng miếng hài ghép lại và lôi kéo sự chú ý bằng cách thu gom các danh hài và nhân vật đình đám nhất trong năm.

Nếu Hai lúa có những “con át chủ bài” như Trấn Thành, Phương Mỹ Chi, Don Nguyễn, Thúy Nga, thì Cưới chạy tung chiêu "độc quyền Việt Hương, diễn cạnh Chí Tài, Hoàng Mập (kiêm sản xuất phim). Phim đầu nói về một anh chàng nông dân buộc phải dấn thân vào cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ cùng hai người bạn đồng hành kì quặc; còn phim sau kể chuyện đôi vợ chồng quyết tâm gả con gái lớn để tránh nguy cơ cô "ôm bom nổ chậm".

{keywords}
Phim Cuộc chiến với chằn tinh, tựa cũ: Thạch Sanh.

Nhưng ẩn số lớn nhất có lẽ nằm ở trường hợp Cuộc chiến với chằn tinh, bộ phim có nhiều lận đận sau khi đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu bất ngờ đột tử vào tháng 3 năm ngoái khi phim còn đang làm hậu kỳ, sau đó tên phim cũng thay đổi từ tên cũ Thạch Sanh. Việc dựng lại thần thoại về chàng tiều phu Thạch Sanh có sức khoẻ hơn người đã chiến thắng Chằn Tinh đời Hùng Vương thứ 9, đồng nghĩa với việc phim phải đối diện với thách thức mô tả lại nước Việt cổ. Không chỉ kịch bản, nếu muốn thành công, kỹ xảo của phim cũng phải ở mức tạm được để xóa đi những ấn tượng không tốt ban đầu mà dư luận dành cho đoạn teaser của phim.

Tuần lễ "huyết chiến"

Canh bạc phim Tết 2014 được xem như sẽ an bài trong tuần lễ công chiếu của những phim ra mắt đầu tiên. Tuần lễ này năm nay rơi vào giữa tháng 1, tức 2 tuần trước tết, với ba bộ phim tự tin dành tất cả quyết tâm chiếm lĩnh thị trường: Cô dâu đại chiến 2 (ra mắt ngày 16/1), Hai lúa (17/1), Năm sau con lại về (18/1). Cả ba cạnh tranh trực tiếp với 3 phim kinh dị ngoại: 11 AM (Hàn Quốc), Ôi! Ma ơi! (Thái Lan), Devil's Due (Mỹ).

Bảy phim ngoại dự kiến chiếu Tết 2014 gồm: 11 AM (Hàn Quốc), Tây du ký: Đại náo thiên cung (Trung Quốc), I, Frankenstein (Mỹ), Ôi! Ma ơi! (Thái Lan), Jack Ryan: Điệp vụ bóng đêm (Mỹ), Devil's Due (Mỹ), Siêu nhân Krrish (Ấn Độ).

Chỉ cần thất bại trong tuần lễ đầu tiên này, phim cầm chắc sẽ văng ra khỏi các rạp trước cả khi tết bắt đầu. Phim Vũ điệu đường cong (năm 2011) đến nay vẫn còn nguyên như một bài học xương máu trong canh bạc này. Cưới chạyCuộc chiến với chằn tinh thất thế hơn trong cuộc đua, lần lượt có ngày ra mắt rất cận tết là 24 và 29/1. Và cơ hội cho hai phim này chỉ có thể là vớt vát phần nào doanh thu vào cuối mùa phim.

Đó chưa phải là toàn bộ bức tranh phim Việt chiếu tết năm nay. Trên hệ thống rạp chiếu sử dụng máy chiếu kỹ thuật số ở các tỉnh phía Bắc, còn có hai phim hài được làm riêng cho phù hợp với khẩu vị hài của Bắc bộ trong bối cảnh rạp chiếu ở các thành phố lớn bị thống trị bởi hài kiểu Nam bộ. Đó là Cổ tích thời @ Chôn nhời, quy tụ nhiều danh hài đất Bắc. Hệ thống rạp sử dụng máy chiếu kỹ thuật số được nói đã tăng đến con số 55 rạp trong năm nay, có nhiều phim tham gia chiếu vòng đầu và mang lại một doanh thu khả quan.

Minh Chánh