- Cô tìm được lối mở cho ngón đàn của mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật riêng biệt và độc đáo, dù đã có lúc bỏ cuộc đi buôn đồ gỗ!


Giữa đám đông, rất dễ nhận ra cô cháu gái của nhạc sĩ “Chảy đi sông ơi” Phó Đức Phương bởi mái tóc bờm xờm và cái đầu thích lắc lư. Phong thái (có vẻ) không coi điều gì là to tát khiến cô dễ gần với những người xung quanh, dù lý lịch của công chẳng nhỏ bé chút nào: Sinh năm 1977 trong một gia đình có nhiều thế hệ làm nghệ thuật ở Hà Nội, lên 5 tuổi, My đã làm quen với đàn dương cầm; 13 tuổi, sang Đức theo học trường âm nhạc E.M. Phillips Bach và tốt nghiệp loại xuất sắc.

Hạt mầm ý tưởng

Không được công nghệ của giới showbiz bơm thổi thành ngôi sao, nhưng My đang khiến giới âm nhạc phải chú ý đến mình bằng một ý tưởng “điên điên” mà cũng rất khả dụng: kết hợp khí nhạc cổ điển phương Tây với một số hình thức âm nhạc cổ truyền Việt Nam như hát tuồng, chèo, chầu văn.

Làm thế nào có thể kết hợp được các loại nhạc cụ mà âm sắc rất khác nhau này? “Tôi nghĩ là được”, nhạc sĩ Dương Thụ nói ngắn gọn. Vị nhạc sĩ có tiếng am hiểu nhạc cổ điển phương Tây đã bị thuyết phục sau khi nghe Phó An My lần đầu tiên kết hợp giữa piano với hò Huế và sau đó là với tuồng.

Phó An My trình diễn "Bóng" cuối tháng 5 tại Hà Nội

Có những sáng tạo nghệ thuật chỉ được gieo mầm khi nghệ sĩ đứng trước sự thúc bách của thực tế khách quan. Ý tưởng giao hòa dương cầm với âm nhạc cổ truyền của Phó An My là một trường hợp như vậy.

Mùa hè 2006, khi được mời tham gia trình diễn ở Festival Huế, cô bối rối đứng trước lịch trình diễn dày đặc của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Buổi trình diễn của cô cầm chắc nguy cơ… ế, vì lấy đâu ra số người nghe chịu khó tĩnh tại cùng âm nhạc cổ điển trong những ngày hội hè miên man?

Ý tưởng về sự kết hợp piano với các nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, sáo, bầu, đàn cò, đàn nhị… nhanh chóng ra đời, kết quả là những đêm trình diễn của cô ở Hiển Lâm Các luôn chật kín khán giả đến vì tò mò lẫn thích thú.

Dù chưa thể nói về một mùa gặt tốt tươi, nhưng một khi hạt mầm sáng tạo đầu tiên đã được gieo, chúng không chỉ mang lại cho người gieo hạt một suối nguồn cảm hứng mới, mà còn mở ra con đường tiên phong, ít nhiều thi vị và có thể tiềm ẩn rủi ro.

Từng hào hứng về nước để được cống hiến, để rồi đối diện với đời sống nhạc cổ điển buồn tẻ, có rất ít buổi trình diễn trong một năm, đến mức phải vứt cá tính nghệ sĩ qua một bên để đi… buôn đồ gỗ, hơn ai hết, My hiểu rõ cứu cánh của con đường sáng tạo nghệ thuật riêng biệt và độc đáo.

Trong mỗi "Nhập", nghệ sĩ dương cầm lại thay đổi trang phục

Con đường độc đạo và thách thức

Điều may mắn cho My trên con đường độc đạo của sự sáng tạo là cô đã tìm được người bạn đường tâm đầu ý hợp – nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên, sinh năm 1981, chuyên viết cho piano theo khuynh hướng cận đại, phù hợp với sở trường của My.

Họ làm thành một cặp đôi theo nguyên tắc: Nguyên viết, My diễn. Nhưng diễn theo cách nào thì My nhất định coi đó là “đặc quyền” của mình. “Thật may là Nguyên đồng ý phần lớn”, My cười vui.

Bởi dùng sáng tác khí nhạc theo ngôn ngữ cận đại (không lấy chất liệu dân gian) để đặt cạnh những bài bản dân nhạc cổ truyền, nên họ muốn gọi những buổi trình diễn của mình là cuộc đối thoại giữa đương đại và truyền thống. Nguyên nói: “Đây là con đường mà chúng tôi đã chọn, như đã từng làm piano với tuồng, hò Huế, nay là hát chầu văn, và có thể sắp tới là chèo”.

Sau đêm diễn mang tên “Bóng” kết hợp piano với chầu văn hồi tháng 5/2011 ở rạp Công Nhân (Hà Nội), được người nghe hào hứng đón nhận, My và Nguyên sẽ chính thức phổ biến rộng rãi “Bóng” bằng hai đêm hòa nhạc thật “điên” ở Hà Nội vào ngày 22/8 và TP.HCM 31/8 tới.

Màn thay áo ngay trên sân khấu


Có thể hình dung những khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt trong lần dốc túi để làm cuộc trình diễn âm nhạc hoàn toàn mới mẻ, có bán vé như những chương trình giải trí khác.

Bất cứ ai thủ cựu, câu nệ vào truyền thống đều dễ cảm thấy họ đang “xúc phạm” hát chầu văn (một hình thức hát múa còn gọi là Lên đồng, hay Hầu bóng) khi bóc tách nó ra khỏi không gian diễn xướng vốn có trong sinh hoạt cộng đồng để đưa lên sân khấu.

Nhất là khi buổi trình diễn “Bóng” lại trùm lên một hình thức khiến người ta liên tưởng đển buổi lên đồng, người trình diễn piano vào vai một ông đồng – bà cốt, sống cùng các nhân vật khác nhau ở mỗi giá đồng.

Với tất cả sự cẩn trọng, cả Nguyên và My tin rằng họ chỉ bóc tách phần âm nhạc trong tổng thể di sản văn hóa mà cha ông để lại, đem nó lên trình diễn trên một sân khấu mà các nhạc cụ được bố trí theo chuẩn mực của một buổi hòa nhạc đúng nghĩa.

Trước mặt họ còn là bài toán thách thức khi vé phải được bán hết thì chương trình mới… hòa vốn. Nếu ở Hà Nội, hai nghệ sĩ dễ tìm thấy sự kết nối với lượng người nghe yêu thích hát chầu văn; thì tại TP.HCM – thành phố nằm trong không gian âm nhạc đờn ca tài tử Nam bộ, người dân ưa thích tìm những âm thanh ồn ào, sôi động – tìm được người nghe chịu bỏ tiền mua vé quả là nan giải.

Nhưng trên tất cả, nói như nhạc sĩ Dương Thụ, họ là hai nghệ sĩ đang đi trên một con đường độc đạo, bởi chưa ai đi cùng. Với My, dù có phải đi buôn đồ gỗ để nuôi lấy con đường sáng tạo như một nhu cầu tất yếu của nội tâm, cô vẫn thấy mình thật hạnh phúc.


Năm 2009, Phó An My xuất hiện và trình diễn tác phẩm Bồng bềnh trong chương trình hòa nhạc Điều còn mãi do báo VietNamNet tổ chức.

Chiều ngày 2-9 năm nay, người nghệ sĩ trong Phó An My hẳn sẽ không còn đơn độc, bởi cô sẽ trở lại với khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội cùng ngón đàn piano và một trích đoạn “Bóng” trong chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi 2011” – nơi hội tụ của những giai điệu tinh túy, cất lên với tình yêu tha thiết quê hương Việt Nam.

Minh Chánh

TIN LIÊN QUAN: