Đây là thông tin được đại diện Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài thông tin tại hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật đảm bảo an toàn hàng không diễn ra vào ngày 19/9.

Hội nghị do Cảng vụ Hàng không miền Bắc phối hợp Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài tổ chức tuyên truyền tới hơn 200 hộ dân xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội). 

Theo thống kê của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, từ đầu năm đến ngày 15/9, sân bay phát hiện 3 trường hợp người dân đốt rơm rạ (năm 2022 là 8 trường hợp); 6 trường hợp thả diều, bóng bay (năm (2022 phát hiện 10 trường hợp) và 7 trường hợp chiếu tia laser giảm 9 trường hợp so với năm 2022. Đây là những hoạt động ảnh hưởng an toàn hoạt động bay tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

Ông Lại Thế Sơn, Phó Trưởng phòng An toàn và kiểm soát chất lượng Cảng Hàng không Quốc tế  Nội Bài phổ biến kiến thức cho người dân 

Tại hội nghị, đại diện Cảng vụ hàng không miền Bắc đã chỉ ra các hành vi gây mất an toàn hàng không, bao gồm: Giảm tầm nhìn, va chạm trên không, va chạm dưới đất và hư hỏng trang thiết bị cảng hàng không, sân bay và hoạt động của tàu bay. 

Theo đó, các hành vi gây giảm tầm nhìn của phi công như đốt rơm rạ, chiếu đèn laser. Cụ thể, việc bà con sau mỗi vụ thu hoạch lúa, cùng nhau đốt rơm rạ đã gây ra khói mù, ảnh hưởng tầm nhìn của phi công. 

Việc chiếu đèn laser khi tàu bay đang cất hạ cánh có thể làm chói mắt, làm phân tán đối với phi công ở thời điểm cần tập trung cao độ khi điều khiển tàu bay cất hoặc hạ cánh. 

Ông Trương Hữu Linh, Trưởng phòng Giám sát an toàn Cảng vụ hàng không miền Bắc kỳ vọng, mỗi bà con đều là những tuyên truyền viên gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn hàng không

Các hành vi có khả năng gây va chạm trên không như thả diều, thả đèn trời, trồng cây cao, xây dựng công trình trái phép gần sân bay hay các hoạt động thu hút chim… Những hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ làm va chạm với tàu bay đang bay hay đang trong quá trình tàu bay cất hoặc hạ cánh. 

Bổ sung thêm, đại diện Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cũng nhấn mạnh, các hành vi có khả năng gây va chạm dưới đất như sử dụng thiết bị bay tự động như vật thể bay không người lái (UAV/Drone), Flycam; chăn thả và để lọt gia súc vào khu bay. 

Các vật thể bay không người lái, gia súc chạy lọt vào khu bay có khả năng va chạm với tàu bay khi cất, hạ cánh hoặc đang vận hành trên đường lăn, sân đỗ. 

Bên cạnh đó, một số hành vi có khả năng gây hư hỏng trang thiết bị khai thác Cảng hàng không, sân bay như đốt rác gần các công trình, thiết bị của sân bay, lấy trộm trang thiết bị sân bay… có thể làm hư hỏng hệ thống trang thiết bị, ảnh hưởng đến quá trình tàu bay hoạt động, khai thác tại sân bay.

Lực lượng chức năng tuyên truyền vận động trẻ em không thả diều gần khu vực sân bay Nội Bài để đảm bảo an toàn hoạt động bay 

Với 4 nhóm hành vi này, căn cứ Nghị định số 162 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 45 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, người vi phạm có thể đối mặt với hình phạt lên tới 40 triệu đồng (chiếu tia laser vào tàu bay); 60 triệu đồng (sử dụng vật thể bay không người lái, flycam) tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi. Đặc biệt đối với hành vi đốt rơm rạ sau thu hoạch của bà con sẽ bị xử phạt từ 2,5 đến 3 triệu đồng…

Căn cứ những quy định trên, ông Trương Hữu Linh, Trưởng phòng Giám sát an toàn Cảng vụ hàng không miền Bắc kỳ vọng, mỗi bà con đều là những tuyên truyền viên gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn hàng không, đồng thời giáo dục các thành viên trong gia đình người thân không vi phạm các quy định hiện hành. 

Trước đó, vào tháng 5, khi chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ chiêm, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cũng thực hiện tuyên truyền cho bà con xã Quang Tiến (Sóc Sơn, TP Hà Nội).

Ngô Thị Huyền, Nguyễn Thị Thu Hằng, Hoàng Tư Giang, Nguyễn Hoàng Hà