Chiều 19/8, UBND TP.HCM và Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thời gian gần đây, một số nơi xảy ra tình trạng người dân ra đường đông hơn. Thực trạng này đến từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
"TP.HCM có khoảng 10 triệu dân thường trú và khoảng 3 triệu người tạm trú. Với tính chất một thành phố dịch vụ, số người thường xuyên sinh sống, làm ăn trên địa bàn rất lớn", ông Dương Anh Đức thông tin.
Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức |
Ông Đức cho biết, thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều quy định nhằm hạn chế người dân ra đường không cần thiết. Theo thống kê của Công an TP, mỗi ngày, toàn địa bàn có khoảng 1,2 triệu người ra đường với lý do cần thiết.
"Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số lượng người ra đường không đúng mục đích. Trung bình mỗi ngày, thành phố có hơn 200.000 phương tiện các loại ra đường, trong đó có 100.000 người sử dụng phương tiện cá nhân, có 1.500 người bị xử phạt và buộc quay đầu hơn 3.000 người", ông Đức cho hay.
Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, ngoài các lý do chủ quan, việc một số thời điểm ghi nhận người ra đường đông có 3 lý do khách quan.
Theo đó, sau một thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, thành phố đã mở lại một số lĩnh vực nhằm đảm bảo, duy trì cuộc sống hàng ngày, như: bảo trì hạ tầng, hệ thống máy lạnh, cấp thoát nước...
Lý do thứ 2, do thành phố đã chặn các tuyến đường nhánh, chỉ để các phương tiện lưu thông tại các trục đường chính. Khi đó, diện tích đường lưu thông bị thu hẹp nhưng lượng phương tiện vẫn giữ nguyên, khiến một số thời điểm có cảm giác người ra đường đông hơn.
Người dân ra đường vẫn đông trên một số đường ở TP.HCM |
Lý do thứ 3, theo ông Đức, đó là lượng người đi tiêm vắc xin Covid-19 ngày càng tăng. Cụ thể, mỗi ngày, thành phố có khoảng 200.000-300.000 người được tiêm chủng.
"Những lý do trên đã khiến tình trạng ùn tắc cục bộ diễn ra tại một số chốt, trạm kiểm soát trong những thời điểm nhất định. Công an thành phố cùng các lực lượng đang nghiên cứu, rà soát kỹ và sẽ hạn chế hơn số nhóm đối tượng được lưu thông từ 6h đến 18h. Mục tiêu tối thượng hiện nay là thực hiện nghiêm giãn cách xã hội", ông Dương Anh Đức khẳng định.
Cũng tại buổi họp báo, Trưởng Ban Tuyên Giáo Phan Nguyễn Như Khuê xác nhận, báo chí gần đây phản ánh người ra đường có đông, một số anh em tại chốt kiểm soát trang bị sơ sài khi làm việc… là có cơ sở. Theo ông, những sự việc cục bộ thế này cũng có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nếu có sự cố xảy ra.
Qua đó, ông cho rằng phải siết chặt lại, thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm Nghị quyết 86. Ông cũng đề nghị ngành y tế trang bị các thiết bị y tế cho lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu tại các chốt kiểm soát.
“Thời gian tới, TP sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết 86 với việc tinh thần giãn cách xã hội nghiêm, chặt chẽ và đi kèm là thực hiện an sinh xã hội”, ông Khuê thông tin.
Người đứng đầu ngành Tuyên giáo cũng cho biết, về an sinh xã hội thì những trường hợp khó khăn, yếu thế… đều được hỗ trợ.
Tuy nhiên, trong cách làm có lúc, có nơi sự phối hợp chưa nhịp nhàng, kịp thời có thể hiểu là chưa có kinh nghiệm nhiều; từng bước sẽ bổ sung, lắng nghe, hoàn thiện hơn công tác an sinh và chăm lo cho dân.
Hồ Văn-Tú Anh
150 taxi công nghệ chở F0 khỏi bệnh về nhà miễn phí ở TP.HCM
Sở GTVT TP.HCM huy động 150 xe ô tô công nghệ để vận chuyển nhân viên y tế, trang thiết bị, vật tư y tế; người khỏi bệnh Covid-19 về nơi cư trú miễn phí.