Chồng chị quá quen với những lần nhảy việc “tanh tách” của chị ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Nhưng những lần trước, chị nhảy việc từ công ty này sang công ty khác, vẫn đảm bảo giờ giấc cho con và có một mức lương ổn định.
Lần nhảy việc này, thu nhập chưa biết ra sao, lĩnh vực lại quá mới mẻ. Các mối quan hệ cũ của chị lại gần như không liên quan gì tới công việc mới.
“Anh từng chở tôi đến gặp một chuyên gia kinh tế để ngồi nghe phân tích hết một buổi về việc chọn sản phẩm ‘win’ (sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, mua nhiều, tạo lợi nhuận lớn) để kinh doanh. Chuyên gia khuyên tôi từ bỏ, vì tranh đinh chỉ không phải là sản phẩm ‘win’.
Lời khuyên đó rất đúng, vì nếu không kiên nhẫn, không có nguồn thu nhập khác bù vào và nuôi nó thì tôi đã bỏ cuộc từ trước Tết. Sau đó, tôi không bỏ tranh nhưng cũng biết cân đối để tăng thu nhập từ một vài việc khác. Chồng tôi chắc vẫn lo nhưng luôn âm thầm ủng hộ cả về vật chất và tinh thần”, chị Thục Anh tâm sự.
Chị thú thực, công việc cũ rất tốt, “có chút danh, có thu nhập ổn định, môi trường ‘lành’, đồng nghiệp đáng mến”. Nhưng với bản tính thích thử thách, luôn tìm kiếm sự sáng tạo, mức lương chưa bao giờ là yếu tố ngăn cản chị đến với những gì mình yêu thích.
Trong thời gian nghỉ việc, chị cũng có những cơ hội hấp dẫn mời gọi. Nhưng tình yêu với tranh đinh chỉ đã giúp chị tiếp tục theo đuổi cho đến giờ này.
Mới nghỉ việc chính thức được hơn 1 năm, nhưng thực ra chị đã “có duyên” với tranh đinh chỉ từ 4 năm trước. Chị và một nhóm bạn yêu thích loại tranh này đã cùng nhau tìm hiểu và trao đổi ý tưởng. Nhưng do mỗi người có công việc riêng và dịch Covid-19 ập đến khiến cả nhóm giãn ra.
Mỗi người tìm tòi theo cách riêng của mình rồi dần dần lại tập hợp với nhau trở thành một tập thể như bây giờ.
Người phụ nữ 37 tuổi chia sẻ, thực ra tranh đinh chỉ không quá mới nhưng không thực sự nở rộ và không chú trọng nhiều đến tính nghệ thuật. Ở nước ngoài, loại tranh này được ưa chuộng hơn và nhiều phong cách hơn.
Chính vì thế, sau khi nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế, bài toán mà chị và các đồng nghiệp cần giải là: Nâng cao kỹ thuật và đưa tranh đinh chỉ trở thành một loại tranh nghệ thuật tinh tế, độc đáo.
Nhóm của chị tập trung nghiên cứu để tìm ra kỹ thuật của riêng mình, mang đến dòng tranh đinh chỉ khác biệt về kỹ thuật và hiệu ứng thị giác. “Tranh đinh chỉ không hướng tới ‘chép’ hình ảnh, mà còn nắm bắt thần thái nhân vật, điểm nổi bật, đặc trưng để ‘tả’.
Chọn cách ‘tả’ mềm mại hay cứng cỏi, thưa hay dầy... đều cần khả năng cảm thụ và sự nhạy bén".
“Khi tranh của chúng tôi đăng trên các hội nhóm tranh đinh chỉ quốc tế, thực sự đã làm các nghệ nhân quốc tế phải trầm trồ”.
Để cho ra đời một bức tranh đinh chỉ, các khâu gồm có: Phác thảo ảnh, lên ý tưởng, xác định các điểm đinh, đóng đinh rồi căng chỉ tạo hình. “Khâu nào cũng khó vì chỉ khi tranh hoàn thành mới biết được kết quả cuối cùng. Nếu có điểm chưa ưng ý thì sẽ phải xem lại từng khâu, có lúc sửa tranh phải gỡ toàn bộ để làm lại.
Thời gian hoàn thành một bức tranh có thể dao động từ vài ngày đến vài tuần, vài tháng tùy thuộc vào kích thước và độ phức tạp”.
Đề tài mà chị Thục Anh thường chọn cho những bức tranh đinh chỉ là chân dung một hoặc nhiều người trong cùng một bức tranh với nhiều kích thước khác nhau.
Tâm sự về việc theo đuổi một sự nghiệp mới ở tuổi U40, chị nói, trong suốt mấy năm tìm tòi, nghiên cứu về tranh đinh chỉ, chị từng có lúc suýt bỏ cuộc.
Đó là thời điểm chị đầu tư mở một phòng trưng bày tranh riêng trong khi còn giới hạn về mẫu, đề tài, kích thước… Nguyên liệu lúc đầu cũng chưa được đẹp như bây giờ nên phòng tranh hiu hắt, Fanpage cũng vắng vẻ.
“Trước Tết, tôi đã trả mặt bằng, giải tán phòng tranh, ngừng lại khoảng nửa tháng thời gian Tết để suy ngẫm. Sau Tết, tôi cùng anh em trong nhóm trao đổi lại và nhận thấy giai đoạn này cần nghiên cứu để sản phẩm hoàn thiện, kỹ thuật nâng cao, đề tài phong phú rồi mới làm các công tác khác về truyền thông và kinh doanh.
Hướng đi này đã đúng và có kết quả như hôm nay cũng là câu trả lời cho chúng tôi tin tưởng vào định hướng của nhóm”.
Một số bức tranh đinh chỉ mà chị Thục Anh tâm đắc:
Ảnh: NVCC