- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới vừa phải tái cấu trúc nông nghiệp vừa phải đẩy mạnh phát triển kinh tế phi nông nghiệp.
Tại hội nghị xây dựng nông thôn mới hôm nay tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, sau hơn 3 năm triển khai đề án “mỗi xã, phường một sản phẩm”, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện chương trình này một cách có bài bản, có hệ thống.
Đề án này không chỉ góp phần phát triển sản xuất mà còn góp phần giảm nghèo, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương…
Phó Thủ tướng chỉ đạo tại hội nghị |
Tuy nhiên Phó Thủ tướng chỉ ra nhiều tồn tại, như các địa phương chưa triển khai đều khắp; chưa gắn việc phát triển các sản phẩm phi nông nghiệp với tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp.
Việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (trong đó có phong trào Mỗi xã một sản phẩm) ở các địa phương chưa gắn liền với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Hầu hết làng nghề chưa chủ động được nguồn nguyên liệu và có quy mô tập trung để sản xuất hàng hóa lớn. Công nghệ sản xuất và thiết bị phần lớn ở trình độ lạc hậu, thủ công, bán cơ khí. Hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiếu vốn, lao động có tay nghề và nghệ nhân, các vấn đề ô nhiễm môi trường...
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng xúc tiến thương mại của làng nghề còn yếu.
Các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với du lịch còn ít, chỉ tập trung ở một số làng nghề truyền thống… Doanh nghiệp còn chưa thực sự vào cuộc, chưa tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phi nông nghiệp phát triển. Hoạt động của các HTX, tổ HTX còn lúng túng, chưa hiệu quả.
Tái cấu trúc nông nghiệp
Theo Phó Thủ tướng, để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, một mặt phải tái cấu trúc nông nghiệp. Một mặt phải đẩy mạnh phát triển kinh tế phi nông nghiệp, bao gồm các sản phẩm ngành nghề truyền thống, các sản phẩm ngành nghề mới.
Trong đó muốn tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, phải giảm số lượng lao động nông thôn, tích tụ ruộng đất.
Cùng với đó, phải phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng để chuyển một phần lớn lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang cũng như góp phần giảm dòng người dịch chuyển từ nông thôn ra các đô thị lớn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cũng như các cơ chế, chính sách cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển kinh tế phi nông nghiệp.
Ông yêu cầu phải tổ chức quy hoạch lại sản xuất ở nông thôn, bao gồm sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, bao gồm các sản phẩm, ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, xác định các sản phẩm chủ lực để ưu tiên huy động nguồn lực phát triển.
“Người dân phải là chủ thể tham gia sản xuất, lấy doanh nghiệp, HTX, tổ HTX làm động lực cung cấp dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, lo vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, phân chia lợi ích”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Nhà nước và các địa phương có vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thông qua các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất về đất đai, vốn, đào tạo... để doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
M.Anh