Sáng nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành TƯ đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới, xây hồ thủy lợi
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Đăng Quang cho biết, ngày hôm qua (27/11), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Theo đó, mặc dù dịch bệnh kéo dài, nhất là dịch tả lợn châu Phi hoành hành, tình hình mưa lũ đã làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất, việc làm, đời sống người dân… nhưng toàn tỉnh đã nỗ lực khắc phục và đạt được nhiều kết quả toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực.
Cụ thể, Quảng Bình đã hoàn thành 19/21 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm 2019, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch như: Tăng trưởng kinh tế (có thể đạt mức tăng hơn 7,23%), thu ngân sách (5.180 tỷ đồng), du lịch (đạt hơn 5 triệu khách, trong đó khách quốc tế tăng 35%, nhanh hơn mức tăng khách trong nước),... Quảng Bình không xuất hiện vụ việc phức tạp lớn trong thời gian qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật cho biết, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh ở mức 2%/năm, cao hơn tốc độ giảm bình quân của toàn quốc, đưa tỉ lệ hộ nghèo của Quảng Bình còn 4,98%, thấp hơn tỉ lệ hộ nghèo của cả nước.
Lãnh đạo các bộ, ngành đều bày tỏ yên tâm khi đánh giá tỉnh Quảng Bình đang có bước phát triển vững chắc trên tinh thần chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng: “Hệ thống hạ tầng giao thông đã đồng bộ rồi, giờ chỉ cần làm tốt hơn thôi. Chúng tôi cho rằng cảng hàng không Đồng Hới hiện chỉ đón 500.000 khách/năm là quá ít. Phải đầu tư để đáp ứng vận chuyển 2 triệu khách/năm trong giai đoạn tới, trước hết là đầu tư sân đỗ”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp của Quảng Bình hiện là 52 triệu đồng/ha là mức tương đối cao, hoàn toàn có thể nâng lên 100 triệu đồng/ha trong vài năm tới.
Đánh giá địa hình dốc, ngắn từ Tây sang Đông nên ông Hiệp đề nghị Quảng Bình cần phát triển mô hình cộng đồng an toàn, xây dựng các công trình gắn liền với thích ứng thiên tai.
“Chỉ 1 hồ chứa của Hà Tĩnh (hồ Kẻ Gỗ-PV) đã lớn hơn tất cả các khu vực chứa nước của Quảng Bình. Nếu có mưa thì nước sẽ trôi tuột ra biển. Quảng Bình cần xây dựng hồ chứa nước thủy lợi để dự trữ nước. Bộ NN&PTNT sẵn sàng phối hợp triển khai với tỉnh”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị.
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm
Về lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, mặc dù là tỉnh khó khăn, nhưng tới nay Quảng Bình đã có 52% tổng số xã đạt chuẩn. Tuy nhiên, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - một giải pháp quan trọng để xây dựng nông thôn mới, chưa được tỉnh quan tâm thực hiện khi còn ít sản phẩm đặc trưng.
Để tập trung phát triển kinh tế đi nhanh hơn, lãnh đạo các bộ đề nghị Quảng Bình cần tập trung cho phát triển du lịch. Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy, dù có thế mạnh về biển, rừng và hệ thống hang động, nhưng Quảng Bình chưa có nhiều sản phẩm du lịch có giá trị, gắn liền với bản sắc văn hoá địa phương.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị Quảng Bình ưu tiên phát triển du lịch khám phá, mạo hiểm với giá trị gia tăng cao hơn và góp phần quan trọng củng cố, quảng bá hình ảnh du lịch của Quảng Bình với thế giới.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Dương Duy Hưng cho rằng tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ của tỉnh tăng 15,1% so với cùng kỳ chưa tương xứng với mức tăng về khách du lịch của địa phương (chỉ tương đương mức tăng của vùng, thấp hơn mức tăng toàn quốc).
Ông Dương Duy Hưng đề nghị Quảng Bình quan tâm phát triển các thương hiệu, sản phẩm công nghiệp quốc gia, tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động của các cụm công nghiệp, nhất là ở vùng nông thôn để giải quyết vấn đề lao động, việc làm và tăng cường năng lực chế biến, bảo quản hàng hoá.
Đại diện Bộ Công Thương cũng đề nghị Quảng Bình ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có dự án trang trại điện gió B&T.
Phát triển dịch vụ gắn liền với tăng thu ngân sách
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, với chiều sâu về văn hoá, lịch sử và lợi thế về tự nhiên, Quảng Bình hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Đồng tình với Bộ Công Thương rằng Quảng Bình cần quan tâm hơn tới phát triển dịch vụ khi tốc độ còn thấp trong khi khách du lịch tăng trưởng mạnh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, địa phương này phải triển khai nhiều loại hình dịch vụ khác nhau về du lịch, tài chính, bán lẻ để tăng thu ngân sách địa phương.
“Trên nền tảng du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Bình ưu tiên phát triển đa dạng các dịch vụ đi kèm, trong đó có cả các dịch vụ tài chính, đào tạo nhân lực, hỗ trợ DN nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói, đồng thời đề nghị Quảng Bình tham khảo kinh nghiệm của Đà Nẵng về tăng cường công tác quản lý thu để bảo đảm mức thu tương ứng với sự phát triển các loại hình dịch vụ.
Đối với các xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý Quảng Bình có kế hoạch huy động nguồn lực để đầu tư và phát triển sản xuất ở các vùng núi khó khăn, vùng biên giới hải đảo, ưu tiên tới xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững ở cấp thôn, bản.
“Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần tập trung chuẩn bị kỹ các hồ sơ, dự án quan trọng của tỉnh như nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới lên 2 triệu khách/năm, xây dựng hầm đường bộ Đèo Ngang 2,... hay cả dự án mà tỉnh chưa đề xuất như hồ thuỷ lợi để trình Chính phủ đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời xem xét đưa các nội dung này vào văn kiện đại hội đảng bộ tỉnh khoá tới để huy động nguồn lực triển khai thực hiện, quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển nhanh và vững chắc hơn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.
Theo VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách toàn diện Bộ Y tế
Chính phủ đã có phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách Bí thư ban cán sự Đảng Bộ Y tế và phụ trách toàn diện Bộ Y tế.