Samsung hiện diện tại Việt Nam 13 năm, nhưng các kỳ vọng về việc phát triển các doanh nghiệp vệ tinh của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Tập đoàn này chưa đạt. Đến nay, mới chỉ có 42 doanh nghiệp Việt lọt vào chuỗi cung ứng cho Samsung.

Nguyên nhân lớn nằm ở vấn đề năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thấp. Trình độ công nghệ hạn chế, nguồn nhân lực thiếu, bài toán vốn cũng khó khăn. Những hạn chế này khiến cho khoảng cách về trình độ của DN CNHT Việt Nam so với các tiêu chuẩn DN toàn cầu vẫn còn rất lớn.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết hợp tác giữa tỉnh Bắc Ninh- Bộ Công Thương- Samsung về chương trình phát triển nhà cung ứng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ: "Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới như công nghiệp hỗ trợ quy mô còn nhỏ, sản phẩn ít, giá thành cao, thiếu cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài ngay trong nội địa; năng lực về quản trị, nguồn vốn còn thua kém với các nước đã phát triển đi trước... Do đó, chương trình ký hợp tác về công nghiệp hỗ trợ lần này là giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại. Đây là hình mẫu để các doanh nghiệp khác học tập".

{keywords}
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng tốt đẹp, từ năm 2009, hai nước đã trở thành quan hệ đối tác chiến lược. Mối quan hệ đó không chỉ thể hiện ở sự tin cậy về chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, mà còn hợp tác thực chất trên lợi ích hai dân tộc; đặc biệt trên các lĩnh vực: khoa học, kỹ thuật... Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa, ngoại giao nhân dân tốt đẹp, đông đảo công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở Hàn Quốc và ngược lại.

Theo Phó Thủ tướng, Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư FDI lớn nhất, là đối tác thương mại lớn thứ hai và cung cấp vốn ODA lớn thứ hai của Việt Nam. Trong số đó,

Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam; tạo ra nhiều việc làm; tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội...

Cũng theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Bắc Ninh rất quan tâm đến đổi mới môi trường đầu tư, là một trong những tỉnh thu hút đầu tư lớn nhất của Việt Nam.

Trong thời gian ngắn, Bắc Ninh từ một tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút đầu tư, đặc biệt là quy mô kinh tế, giá trị công nghiệp, giá trị xuất khẩu, đời sống người dân không ngừng nâng cao; thúc đẩy quá trình đô thị hóa... Những kết quả đó đưa Bắc Ninh trong tương lai không xa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định phải đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để Việt Nam sớm trở thành một nước cơ bản là công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Việt Nam tập trung thực hiện các bước đột phá chiến lược; đồng thời tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với việc lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý, nhằm nâng cao quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

"Trong đó, thay vì phát triển nền kinh tế theo chiều rộng (chủ yếu dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ...) thì phải hướng nền kinh tế phát triển theo chiều sâu, lấy kinh tế số, kinh tế tri thức là giá trị phát triển. Trong công nghiệp, thay vì gia công, lắp ráp thì phát triển nền công nghiệp sản xuất, nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để thực hiện, phải tập trung công nghiệp hỗ trợ, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu để nâng cao chất lượng, quy mô và sức cạnh tranh; góp phần tạo nhiều việc làm mới và nâng cao thu nhập của người dân," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông khẳng định: "Việt Nam cũng đã sớm xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.

Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia".

Từ đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là về nguồn lực vốn, nhân lực...; tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Bộ có trách nhiệm phát triển mở rộng thị trường nội địa, truyền thống và tìm thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Sau lễ ký kết, Bộ Công Thương sớm có các chương trình cụ thể để triển khai thoả thuận hợp tác đã ký kết ngày hôm nay; tổ chức đàm phán để có thể triển khai các thoả thuận hợp tác tương tự ở các ngành, lĩnh vực khác.

Đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tránh theo phong trào, hình thức; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, trong đó xây dựng, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch để tạo điều kiện thu hút đầu tư...

Tỉnh tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng số... để tạo điều kiện thu hút nguồn lực.

Ngoài ra, tỉnh cần chủ động bố trí quỹ đất nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện rà soát, bãi bỏ các quy định, thủ tục chồng chéo… để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng lưu ý Bắc Ninh tập trung chăm lo đời sống người dân, người lao động; trong đó chú trọng chăm lo nhà ở cho người lao động. Đây là giải pháp thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo đời sống cho người lao động yên tâm sản xuất; đồng thời góp phần vào quá trình đô thị hóa.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng mong muốn Tập đoàn Samsung tiếp tục thể hiện trách nhiệm, hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển, xây dựng nhiều doanh nghiệp hỗ trợ, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng tỷ lệ các sản phẩm nội địa trong sản xuất. Mục tiêu hướng tới, Việt Nam có thể trở thành một trong những nhà cung ứng chiếm tỷ trọng cao trong chuỗi sản xuất của Samsung.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp trong nước sẽ không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường khu vực và quốc tế để trở thành những nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

"Chính phủ Việt Nam cam kết luôn ủng hộ sự hợp tác giữa các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tập đoàn lớn trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Le ky ket chuong trinh ho tro doanh nghiep Viet Nam tai Bac Ninh hinh anh 1

Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam Choi Joo Ho phát biểu. 

ng Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định, Samsung Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam, tích cực mở rộng các hoạt động phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo các lĩnh vực chuyên sâu hơn nữa trong thời gian tới.

Samsung đang phối hợp với Bộ Công Thương triển khai chương trình đào tạo 200 chuyên gia khuôn mẫu ưu tú, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực trong lĩnh vực khuôn - một lĩnh vực được coi là gốc rễ của ngành công nghiệp chế tạo.

Việc Samsung ký kết chương trình là tiền đề để Samsung chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các doanh nghiệp phụ trợ tại Bắc Ninh, hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, vươn tầm quốc tế.

Thu Ngân