Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay (6/12) tuyên bố tại thủ đô Hàn Quốc rằng Mỹ chắc chắn trong cam kết về một sự dịch chuyển chiến lược hướng tới châu Á.

TIN BÀI KHÁC:

Seoul là chặng dừng chân cuối cùng của ông Biden trong chuyến công du kéo dài 6 ngày tới Đông Á. Trước đó ông đã tới Tokyo và Bắc Kinh.

{keywords}
  Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye gặp gỡ và đón tiếp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Seoul.

Gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ở Seoul, ông Biden nhấn mạnh mối quan hệ liên minh 60 năm giữa Hàn Quốc và Mỹ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong bối cảnh khu vực đang căng thẳng liên quan tới tuyên bố của Trung Quốc về vùng nhận diện phòng không mới và chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

"Tôi muốn nêu thật rõ một điều: Quyết định của Tổng thống Obama nhằm tái cân bằng tới lòng chảo Thái Bình Dương là chắc chắn", ông Biden nói khi hai nhà lãnh đạo ngồi bàn thảo. Mỹ chưa bao giờ nói điều gì mà không làm".

Năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã công bố một chiến lược an ninh mới mà trọng tâm là một sự chuyển đổi, hay còn gọi là "xoay trục" hướng tới khu vực châu Á, phản ánh những lo ngại về sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông đã hủy một chuyến công du tới khu vực hồi tháng 10 để đàm phán với phe Cộng hòa về một bế tắc ngân sách vốn đã dẫn tới nhiều khoản cắt giảm tự động trong chi tiêu quân sự Mỹ, làm dấy lên quan ngại ở châu Á rằng cam kết tái cân bằng sẽ bị trệch hướng.

Đón tiếp vị khách Mỹ, Tổng thống nước chủ nhà Park Geun-hye được cho là sẽ đề cập đến vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc mới xác lập trên biển Hoa Đông. Vùng không gian này không chỉ thổi bùng những tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh với Tokyo mà còn chồng lấn lên cả ADIZ của Hàn Quốc.

Seoul dọa sẽ thông báo mở rộng ADIZ của mình để trả đũa - một động thái mà ông Biden được cho là sẽ can ngăn vì Washington đang tìm cách xoa dịu bầu không khí căng thẳng đầy nguy hiểm trong khu vực.

Khi thăm Tokyo và Bắc Kinh, ông Biden đã nêu rõ lập trường phản đối của Washington về ADIZ này. Tuy nhiên, ông không đưa ra yêu cầu phía Trung Quốc phải hủy bỏ vùng phòng không mới.

Căng thẳng trong khu vực hiện nay đã lên tới mức cao nhất trong nhiều năm qua, với Trung Quốc và Nhật Bản giành nhau một quần đảo nhỏ không người ở trong một cuộc tranh chấp mà giới quan sát cảnh báo có nguy cơ dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang.

Seoul cũng lên án tuyên bố ADIZ của Trung Quốc vì vùng này bao trùm một bãi đá ngầm mà Hàn Quốc đang kiểm soát ở biển Hoa Đông.

Ngoài việc tìm cách trấn an bà Park, Phó Tổng thống Biden sẽ cố gắng thuyết phục Seoul theo đuổi các mối quan hệ thân thiện hơn với Tokyo.

Khi cuộc chiến giành sự ảnh hưởng ở châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên, Washington muốn hai đồng minh quân sự chính của nước này trong khu vực xóa bỏ những bất đồng.

Tuy nhiên, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đang ở trong thời kỳ ngoại giao băng giá, với bà Park từ chối đối thoại với Thủ tướng Shinzo Abe cho đến khi nào Tokyo xin lỗi vì gây ra những tội lỗi lịch sử liên quan đến sự cai trị của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.

Ngày mai, Biden dự kiến sẽ tới thăm vùng phi quân sự ngăn cách Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên kể từ sau cuộc chiến 1950-53.

Khi Biden tới Seoul đêm qua (5/12), mối đe dọa từ Bình Nhưỡng đã được nhấn mạnh bởi việc công bố nhiều hình ảnh vệ tinh mới, theo đó Triều Tiên dường như đang gia tăng hoạt động ở bãi hạt nhân chính của nước này.

Chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi cơ quan tình báo Hàn Quốc đưa tin về một sự thay đổi lớn trong ban lãnh đạo Triều Tiên, với việc người chú rể Jang Song-Thaek của Chủ tịch Kim Jong-un bị cách chức.

Thanh Hảo (Tổng hợp)