Để phòng chống bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đạt hiệu quả, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường vệ sinh tiêu độc sát trùng, tăng cường nuôi dưỡng chăm sóc, thực hiện tiêm phòng vắc xin, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh. Cụ thể

Nghiêm túc phòng chống bệnh cho đàn vật nuôi:

Người chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như sau:

- Mua gia cầm về nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan Thú y kiểm dịch, không mua gia cầm bán rong ngoài đường. Gia cầm mới mua phải nuôi cách ly ít nhất 3 tuần và theo dõi hàng ngày. Tốt nhất nuôi theo công thức “cùng vào, cùng ra”.

- Không nuôi thả rông gia cầm, thực hiện nuôi nhốt gia cầm trong chuồng, trong khu vực hàng rào bao quanh. Không cho người lạ và các loại gia súc, gia cầm khác vào khu vực chăn nuôi.

- Cung cấp thức ăn đủ dưỡng chất để gia cầm khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng.

{keywords}
Nuôi theo công thức “cùng vào, cùng ra” để giảm thiểu thiệt hại do cúm gia cầm. Ảnh Vĩnh Sang

- Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ (Tổng đàn từ 2.000 con trở xuống): Phải chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm do cơ quan Thú y và chính quyền địa phương thực hiện.

- Đối với các trang trại chăn nuôi gia cầm (tổng đàn  trên 2.000 con): Cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Cụ thể, cần lựa chọn sử dụng vắc xin Navet - Vifluvac do công ty Navetco sản xuất để phòng bệnh cúm A/H5N6 để đạt hiệu quả cao (theo hướng dẫn của Cục Thú y tại Công văn số 2904 /TY-DT ngày 28/12/2017: Tỷ lệ bảo hộ đổi với vi rút cúm A/H5N6 của vắc xin cúm H5N1 Navet-Viíluvac đạt 80%, của vắc xin cúm H5N1 Re-5 đạt 60% và của vắc xin cúm H5N1 Re-6 đạt 20%)

+ Đối với gà: Tiêm cho gà trên 14 ngày tuổi, liều 0,5ml/con. Tiêm định kỳ 4-6 tháng/lần.

+ Đối với vịt, ngan: Tiêm cho vịt, ngan trên 14 ngày tuổi.Tiêm định kỳ 4-6 tháng/lần. Trong đó: Từ 14-35 ngày tuổi, tiêm liều 0,5ml/con; trên 35 ngày tuổi, tiêm liều 1ml/con.

- Chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh Thú y, thông thoáng, mật độ nuôi hợp lý. Thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại, thu gom và xử lý chất thải. Tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển bằng các  chất sát trùng như vôi bột, Benkocid, Virkon, Xút, Formol… mỗi tuần 1 -2 lần.

- Người giết mổ, mua bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm phải thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực giết mổ, khu vực nuôi nhốt gia cầm; Mua bán, giết mổ, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan Thú y kiểm dịch; Nghiêm túc thực hiện việc tiêu độc sát trùng phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trước và sau mỗi lần sử dụng.

- Người chăn nuôi, giết mổ, mua bán gia cầm hàng ngày phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe đàn gia cầm; Khi phát hiện gia cầm chết nhanh, chết nhiều, bệnh lây lan nhanh cần khai báo ngay cho Trạm Chăn nuôi và Thú y hoặc chính quyền địa phương để kiểm tra và xử lý kịp thời;

- Thực hiện tốt “5 Không”: Không nuôi thả rông gia cầm; Không buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết; Không ăn thịt gia cầm ốm, chết; Không được giấu dịch; Không vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường.    Thực hiện nghiêm túc việc tiêu hủy đàn gia cầm  bệnh, vệ sinh tiêu độc sát trùng ổ dịch theo hướng dẫn của Trạm Chăn nuôi và Thú y hoặc chính quyền địa phương. Số gia cầm bị tiêu hủy do mắc bệnh cúm sẽ được hỗ trợ thiệt hại theo quy định hiện hành trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Các trường hợp cố tình không khai báo dịch; mua bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm mắc bệnh; vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không có giấy kiểm dịch hợp lệ sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật. 

Phòng tránh bệnh cúm gia cầm A/H5N6 truyền lây sang người:

- Mọi người cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm nhất là khi gia cầm bệnh. Khi tiếp xúc cần có trang bị phòng hộ như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ. Rửa sạch tay chân bằng xà phòng sau khi tiếp xúc gia cầm, sản phẩm gia cầm.

- Đối với trẻ em, người già, phụ nữ có thai không nên tiếp xúc với gia cầm. Những người đang bị bệnh, đặc biệt bị bệnh cúm tuyệt đối không được tiếp xúc với gia cầm bệnh.

- Người tiêu dùng chỉ nên mua gia cầm và sản phẩm gia cầm biết rõ nguồn gốc, đã được cơ quan Thú y kiểm dịch; Chỉ ăn thịt, trứng gia cầm đã được nấu chín; Không ăn tiết canh vịt, ngan; Không làm thịt và ăn các loại gia cầm bệnh và chết để tránh nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.

Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N6 là nhiệm vụ chung của tất cả các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân. Toàn thể cán bộ và nhân dân trong tỉnh cần thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm, góp phần bảo đảm cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trên địa bàn tỉnh.

Minh Thu