Nhiều người vào viện vì ăn cá nóc
Sau khoảng 5 giờ ăn bữa tối với món cá nóc, 5 người trong một gia đình ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có dấu hiệu ngộ độc phải chuyển vào đất liền điều trị. Vụ việc xảy ra hồi tháng 5 với gia đình anh T.V.T, 40 tuổi.
Bác sĩ Phạm Trung Hiếu, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho biết cả 5 bệnh nhân đều bị ngộ độc cá nóc ở mức độ nặng.
Đây không phải là trường hợp duy nhất các bác sĩ bệnh viện này tiếp nhận điều trị ngộ độc cá nóc. Hồi tháng 9, hai vợ chồng ở thị xã Đức Phổ cũng phải vào viện này cấp cứu sau 60 phút khi ăn cá nóc. Người chồng ngừng tim, ngừng thở; người vợ bị ngộ độc nhưng nhẹ hơn.
Bệnh nhân nam được cấp cứu ngừng tuần hoàn và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực chống độc trong tình trạng mê sâu, ngừng thở, phải thở máy. Còn người vợ có triệu chứng nhẹ hơn và được điều trị theo phác đồ ngộ độc thực phẩm.
Theo bác sĩ Hiếu, cá nóc có chất độc gọi là Tetrodotoxin. Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.000 lần so với chất độc xyanua. Người ăn phải cá nóc có độc tố sẽ xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; tê môi, lưỡi tê. Tiếp theo, người bị ngộ độc cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, sùi bọt mép, nôn, cứng cơ…
Trường hợp nặng sẽ liệt toàn thân, người mềm, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, thân nhiệt và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao nếu cấp cứu chậm.
Đáng nói, ngộ độc cá nóc hiện chưa có thuốc đặc trị. "Để phòng tránh, biện pháp hữu hiệu nhất là không ăn bất cứ thực phẩm nào được chế biến từ cá nóc", bác sĩ Hiếu khuyến cáo.
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc histamine từ cá biển
Cũng nhập viện sau khi ăn bữa cơm có cá là trường hợp vụ ngộ độc tại Phú Thọ hồi tháng 9. Hơn 150 công nhân Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam (cụm Công nghiệp Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy) có biểu hiện ngộ độc sau bữa ăn trưa. Các bệnh nhân bị đau đầu, chóng mặt, nổi mề đay, buồn nôn, đi ngoài. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện chất histamine với hàm lượng cao là 3.806 mg/kg trong mẫu cá thu ù kho.
Đây không phải lần đầu xảy ra các ca ngộ độc tập thể do histamine có trong các loại cá. Trước đó, hơn 100 công nhân Công ty CP đóng tàu Sông Cấm ở Hải Phòng ăn trưa tập thể đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, mẩn ngứa ngoài da… Cơ quan chuyên môn phát hiện món cá kho, với nguyên liệu là cá thu ngừ đông lạnh, có hàm lượng histamine cao gấp 40 lần giới hạn cho phép tối đa khiến hơn 100 công nhân ngộ độc.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đơn vị này tiếp nhận không ít trường hợp ngộ độc histamine do ăn phải hải sản đông lạnh, không còn tươi. Do histamine bền vững với nhiệt nên khi nấu chín vẫn gây ngộ độc.
Hải sản tươi sống không gây ngộ độc histamine, histamine chỉ sản sinh ở hải sản đã chết. Trong hải sản sạch, hàm lượng histamine dưới 1mg/100g thịt, khi hàm lượng trên 50mg/100g thịt hải sản có thể gây ngộ độc.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc histamine là do ăn phải các loại cá kém tươi có cơ thịt màu đỏ như cá ngừ, cá thu, cá nục, cá trích... Bệnh thường xảy ra nhanh từ một đến vài giờ sau khi ăn. Triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện:
- Mặt thường đỏ, mắt đỏ. Khó thở do phù nề và co thắt khí quản.
- Nổi mẩn đỏ, ngứa, có thể phát ban ngoài da.
- Cảm giác nóng ran trong miệng, tăng tiết nước bọt, kích thích tiết dịch vị của dạ dày, gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Mạch nhanh, hạ huyết áp do giãn mạch.
- Có thể histamine ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh, gây ra biểu hiện nôn nao, chóng mặt, đau đầu...
Phòng ngừa ngộ độc do histamine
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia khuyến cáo người dân cần biết cách lựa chọn, sơ chế, chế biến thức ăn từ cá biển hợp vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong đó, cá được bảo quản trong nhiệt độ lạnh, cá còn tươi, thịt cá chắc, mắt trong, mang đỏ, cắt ra còn máu đỏ tươi, bụng cá còn kín, vây cá dính chắc vào thân, mùi tanh nhẹ và giữ màu xám đặc trưng của cá, được rửa sạch, chế biến phải đảm bảo nhiệt độ theo quy định, nấu cá chín kỹ…) và kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu histamine trong thủy sản phải dưới 100 mg/kg. Đối với những người có cơ địa dị ứng khuyến cáo nên thận trọng khi ăn cá biển để không bị dị ứng khi ăn.
Ngư dân, người kinh doanh cần đảm bảo nhiệt độ lạnh trong suốt quá trình đánh bắt, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh và trước khi chế biến đối với các loại cá biển.