Theo cáo buộc, vào tháng 3/2018, bà Trần Thị Liên, mẹ của thí sinh tên G. và bà Hà Thị Thúy Liễu, mẹ thí sinh tên Đ. đã nhờ bị cáo Hồ Chúc (giáo viên trường THPT Thanh Hà, huyện Lạc Thủy) giúp đỡ con mình.
Các bị cáo tại tòa |
Chúc đồng ý và nhờ Đỗ Mạnh Tuấn (cựu phó Hiệu trường trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) sửa chữa, nâng điểm 5 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ cho 2 thí sinh, rồi sau đó "cám ơn" 300 triệu đồng.
Cáo buộc cho rằng, Mạnh Tuấn đã can thiệp, nâng 14,95 điểm của 5 môn thi cho thí sinh tên G và nâng 18,8 điểm của 5 môn cho thí sinh Đ. Cả hai thí sinh này sau đó đều đỗ đại học.
Tại tòa, Hồ Chúc thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng làm thế vì nể nang.
Trong khi đó, bà Trần Thị Liên phủ nhận việc đưa tiền cho bị cáo Chúc. Phụ huynh này khai: Tôi không nhờ nâng điểm.
Tôi tin tưởng con tôi làm được bài. Đi thi về cháu cũng bảo làm bài tốt nên tôi không suy nghĩ gì. Tôi không đưa tiền cho Hồ Chúc... Mãi sau này, tôi mới biết con được nâng 14,95 điểm.
Phụ huynh Hà Thị Thúy Liễu cũng không thừa nhận việc đưa tiền, nhờ "chạy điểm". Theo bà Liễu, khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định lại, mới biết con mình được nâng điểm.
Cáo buộc cho rằng, bà Lê Thị Hồng (cựu Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ) đã có hành vi giúp sức, xúi giục các bị cáo khác can thiệp, nâng điểm bài thi cho các thí sinh.
Tại tòa, bị cáo Hồng thừa nhận đã nâng điểm cho 8 thí sinh và tỏ thái độ hối hận.
Bà Hồng trình bày: Hôm nay bị cáo thấy rất nhục nhã, rất đau buồn. Tất cả anh chị em ở đây là giáo viên, bao nhiêu năm cống hiến cho ngành giáo dục. Việc làm của bị cáo và các bị cáo khác là sai, vi phạm pháp luật.
Tư duy của bị cáo là học đến đâu không quan trọng, quan trọng là sự cố gắng. Bị cáo do nể nang và do quan điểm của phụ huynh bây giờ quan trọng điểm số nên đã phạm tội.
Nâng điểm thi ở Hoà Bình: 'Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ khuyết tật'
Hôm nay, phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình tiếp tục với phần thẩm vấn.
T.Nhung