Ảnh: Reuters

Fawas Adeosun, học sinh lớp 4, thường xuyên bị nhà trường trả về vì mẹ cậu không đóng học phí. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi khi cậu đăng ký học tại ngôi trường có giải pháp đóng học phí khác lạ. 

Trường My Dream Stead nằm ở khu phố Ajegunle rộng lớn, nơi Adeosun sinh sống, là một trong số 40 trường học giá rẻ ở Lagos, Nigeria chấp nhận coi rác thải có thể tái chế như tiền học phí.

Ảnh: Reuters

Theo Reuters, trong suốt 4 năm qua, tổ chức môi trường 'Sáng kiến vệ sinh châu Phi' đã thu gom chai lọ, lon nước, hộp nhựa... do phụ huynh mang tới trường và bán chúng cho những người tái chế.

Số tiền thu được từ việc bán hàng sẽ dùng để trả lương cho giáo viên, mua đồng phục cho học sinh, bút, sách...

Ảnh: Reuters

Alexander Akhigbe, người sáng lập nhóm môi trường trên cho biết, chương trình được thực hiện nhằm giảm số lượng trẻ em phải nghỉ học, cũng như lượng rác thải trên đường phố Lagos. 

Học phí tại trường My Dream Stead là 130 USD/năm và trường đang mở rộng thêm một tòa nhà thứ hai để chứa được 120 học sinh. Khi trường mở cửa vào năm 2019, chỉ có 7 học sinh ghi danh.

Nhiều buổi sáng, Fawas và mẹ cùng nhau đi bộ đến trường với những bao rác căng phồng trên vai. Chất thải được cân trong khuôn viên trường học và giá trị của nó được cộng vào tài khoản của Fawas.

Ảnh: Reuters

"Nếu thằng bé muốn mua quần áo thể thao, nhà trường sẽ cho tôi biết lượng rác tôi cần mang đến", chị Fatimoh, mẹ của Fawas, cho biết.

Người phụ nữ 48 tuổi này nói, việc nuôi nấng Fawas đặc biệt khó khăn kể từ khi chị buộc phải rời căn phòng dùng làm cửa hàng cắt tóc vào năm 2018.

"Khi tôi phát hiện họ có thể nhận rác thải nhựa mà tôi mang tới để cho con tôi đến trường, gánh nặng của tôi đã nhẹ đi", Fatimoh cho hay khi đang lùng sục các thùng rác trên đường.