Không dễ để đưa ra một con số chính xác tuyệt đối cho vấn đề này bởi nó yêu cầu sự hỗ trợ dữ liệu nghiêm ngặt và việc thu thập thông tin đòi hỏi các cuộc khảo sát lấy mẫu được tiêu chuẩn hóa và sự hỗ trợ về tài chính. Thêm vào đó, cả Trung Quốc có 494,16 triệu hộ gia đình, theo số liệu năm 2021 của Cục Thống kê Quốc gia nước này.

Nhà nghiên cứu Ngụy Dịch từ Viện Tài chính Giáo dục thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã tiến hành nghiên cứu trong 8 năm liên tiếp về vấn đề liệu một gia đình tốn bao nhiêu tiền để nuôi một đứa trẻ từ khi còn nhỏ đến lúc tốt nghiệp đại học, theo Nhật báo Thanh niên Trung Quốc.

Đồng thời, Viện Khoa học Tài chính Giáo dục Trung Quốc cũng hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Khảo sát Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam triển khai "Khảo sát khoản Tài chính Giáo dục trong hộ gia đình Trung Quốc" và đăng tải kết quả vào tháng 1/2024.

Theo đó, tổng cộng 40.000 người được khảo sát từ các hộ gia đình ở khắp tỉnh thành trên cả Trung Quốc ngoại trừ khu vực Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông, Macao và Đài Loan. 

hinh 1 3.png
Khảo sát của nhóm nghiên cứu Đại học Bắc Kinh cho thấy chi phí giáo dục trung bình của một gia đình Trung Quốc cho một đứa trẻ từ 3 tuổi đến tốt nghiệp đại học vào khoảng 233.000 NDT (khoảng 797 triệu đồng).

Cuộc khảo sát cho thấy, trong năm học 2018-2019, chi tiêu giáo dục trung bình của mỗi gia đình trên toàn Trung Quốc là 11.300 NDT (khoảng 38,6 triệu đồng) và các gia đình chi trung bình 8.139 NDT (khoảng 27,8 triệu đồng) cho mỗi đứa trẻ. Chi tiêu giáo dục trung bình của các gia đình thành thị là 14.200 NDT (khoảng 48,5 triệu đồng), gấp 1,7 lần so với các gia đình nông thôn là 8.205 NDT (khoảng 28 triệu đồng).

Chi phí giáo dục của một gia đình cho một đứa trẻ từ 3 tuổi mẫu giáo đến tốt nghiệp đại học là khoảng 233.000 NDT (khoảng 797 triệu đồng). Trong số đó, 20% hộ gia đình có mức chi tiêu thấp nhất vào khoảng 180.000 NDT (khoảng 616 triệu đồng), 20% hộ gia đình có mức chi tiêu trung bình khoảng 224.000 NDT (khoảng 766 triệu đồng) và 20% hộ gia đình có mức chi tiêu cao nhất khoảng 424.000 NDT (khoảng 1,4 tỷ đồng).

Chi tiêu giáo dục gia đình trong nghiên cứu này bao gồm phần chi tiêu trong khuôn viên trường bao gồm học phí, phí đồng phục, chi phí ăn uống, phí thi cử, ăn ở, khám sức khỏe... và phần ngoài trường bao gồm phí thực tập ngoài trường, các lớp học, sản phẩm và dịch vụ giáo dục trực tuyến…

Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm nhà nghiên cứu Ngụy Dịch ước tính quy mô tổng chi tiêu giáo dục của hộ gia đình ở tất cả các cấp học trên toàn quốc là khoảng 21.632,1 tỷ NDT, tương đương 2,4% GDP Trung Quốc năm 2018. Theo "Niên giám thống kê tài trợ giáo dục Trung Quốc 2019", tổng đầu tư vào giáo dục trên toàn quốc năm 2018 là 46.143,00 tỷ NDT, trong đó 36.995,77 tỷ NDT là từ ngân sách quốc gia, chiếm 4,11% GDP.

Từ góc độ gánh nặng giáo dục, tỷ lệ thấp nhất là ở giai đoạn giáo dục bắt buộc, tiếp theo là giai đoạn giáo dục mầm non. Tỷ lệ gánh nặng của gia đình đối với học sinh trung học và sinh viên đại học ngày càng tăng. Nghiên cứu cũng cho thấy, ở các gia đình nông thôn, chi tiêu cho giáo dục của mỗi sinh viên đại học chiếm 35% tổng chi tiêu của gia đình.

hinh 2 1 1.png
Mức chi giáo dục cho mỗi học sinh của các gia đình Trung Quốc trong từng cấp học (mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, học nghề, Đại học) năm học 2018-2019. 

 Qua số liệu khảo sát nhiều năm, nhà nghiên cứu Ngụy Dịch thấy được đặc điểm trong việc đầu tư vào giáo dục của các gia đình Trung Quốc. Ví dụ, trình độ học vấn của cha mẹ càng cao, đặc biệt là người mẹ, mức đầu tư của gia đình cho việc học tập của con cái càng cao.

“Cần phải nói rằng, không có sự khác biệt đáng kể về giới tính trong việc đầu tư cho giáo dục. Các gia đình có thu nhập cao đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động ngoại khóa cho con gái và nhiều bé gái được đầu tư nhiều hơn vào các sở thích nghệ thuật như piano, thanh nhạc, mỹ thuật, rèn luyện ngôn ngữ”. Ngụy Dịch cho biết, còn có một nguyên nhân khác là con gái “ngoan ngoãn hơn”, hiểu tâm tư và sẵn sàng đáp ứng mong đợi của cha mẹ.

Tháng 7/2021, chính sách “giảm gấp đôi” (giảm bớt gánh nặng cho các gia đình phải trang trải học phí ngoài giờ) được thực hiện. Thống kê khảo sát của Viện cho thấy tỷ lệ dạy kèm ngoài trường đã giảm từ 24% (2019) xuống 17% (2022). Tuy vậy, đầu tư giáo dục của gia đình sau khi chính sách này không ảnh hưởng nhiều đến các hộ gia đình bởi phụ huynh đều “rất sẵn lòng” chi tiền cho việc học hành của con cái.

Ngoài ra, xét trên bình diện tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục trong tổng chi tiêu của gia đình, mức trung bình toàn quốc chiếm 14,9%, khu vực nông thôn là 15,8% và khu vực thành thị là 14,1%. Xét theo vùng, tỷ trọng chi tiêu giáo dục của hộ gia đình ở vùng Đông Bắc cao hơn đáng kể so với các vùng khác (18,8%), tiếp theo là miền Trung và miền Tây, lần lượt là 15,7% và 14,4%, trong khi miền Đông là vùng thấp nhất với 14%.

Sự chênh lệch lớn nhất trong chi tiêu giáo dục giữa các gia đình thành thị và nông thôn là ở giai đoạn tiểu học, tiếp theo là mầm non và THCS. Sự khác biệt dần thu hẹp ở giai đoạn THPT, thậm chí còn có sự đảo ngược giữa hộ gia đình thành thị và nông thôn trong giáo dục trung cấp nghề. 

Tử Huy