Đầu năm 2023, con gái học lớp 5 của chị Vu Linh đã vượt qua kỳ thi KET (Cambridge English A2 Key)- bài thi trình độ sơ cấp nhằm chứng minh khả năng sử dụng tiếng Anh để giao tiếp trong những tình huống đơn giản. 

Đây là cấp độ đầu tiên trong "Bài kiểm tra tiếng Anh tổng quát Cambridge (MSE)" do Khoa khảo thí ngoại ngữ của Đại học Cambridge (Anh) thiết kế. Độ khó của bài thi gần tương ứng với mức độ của kỳ thi tiếng Anh tuyển sinh trung học tại Trung Quốc. 

Ở một quận có nền giáo dục vững mạnh như Hải Điến tại thủ đô Bắc Kinh, nhiều bạn cùng lớp của con gái chị Vu Linh đã chuẩn bị cho kỳ thi từ khi còn học lớp 2, lớp 3 và thậm chí là ngay ở lớp 1.

hinh 1 1 2.png
Nhiều phụ huynh Trung Quốc cho con đi luyện thi chứng chỉ KET ngay từ cấp tiểu học.

Nếu CET (College English Test)-4 và CET-6 là bài kiểm tra tiếng Anh mà hầu hết sinh viên đại học Trung Quốc phải vượt qua trước khi tốt nghiệp thì kỳ thi KET là “tấm vé thông hành” giúp thí sinh có cơ hội tốt hơn trong việc lựa chọn trường học từ tiểu học đến THCS.

Dù không có sự công nhận chính thức về mối liên hệ giữa kỳ thi KET và việc chọn trường tốt nhưng các bậc phụ huynh Trung Quốc lựa chọn “thà tin còn hơn”. Năm 2021, Trung tâm Khảo thí Bộ Giáo dục Trung Quốc ra thông báo sẽ không tổ chức kỳ thi MSE.

Tuy nhiên, sự nhiệt tình của các bậc phụ huynh trung lưu ở các thành phố hạng nhất và hạng hai Trung Quốc đối với những kỳ thi như vậy chưa bao giờ giảm bớt. Cho đến nay, chứng chỉ KET đạt điểm cao vẫn được các bậc phụ huynh coi là “bước đệm” cho con vào trường trung học cơ sở tốt.

Con gái của Vu Linh bắt đầu học tiếng Anh khi mới 3 tuổi rưỡi, theo học với giáo viên nước ngoài người Anh và người Mỹ. Cô thường cho con gái xem phim và hoạt hình tiếng Anh, nỗ lực tạo ra nền tảng tốt cho đứa trẻ để chuẩn bị cho kỳ thi KET. 

Ở một trường hợp khác, anh Đường ở Quảng Châu (Trung Quốc) chia sẻ cũng muốn cho con trai “một tuổi thơ trọn vẹn hạnh phúc”. Tuy nhiên, khi thấy các phụ huynh khác thảo luận về kỳ thi KET cho con cái họ, lo sợ con mình thụt lùi so với các bạn đã khiến anh Đường quyết định cho con đi luyện thi.

Sau này, dù chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách “giảm gấp đôi” (nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng cho các gia đình phải vật lộn để trang trải học phí ngoài giờ), các lớp dạy thêm không còn trên mặt hình thức nhưng nhu cầu luyện thi vẫn tồn tại. 

Anh Đường chỉ có thể thuê một gia sư riêng với mức lương 800 NDT (khoảng 2,7 triệu đồng)/buổi để đến nhà dạy 2 lần/tuần.

“Trong cuộc sống hàng ngày, vợ chính là người ‘thúc đẩy’ việc học tiếng Anh của con trai tôi, dù phần lớn việc ôn thi đều là học thuộc lòng nhưng vợ tôi luôn có cách khiến những từ vựng nhàm chán trở nên thú vị như xâu chuỗi từ thành câu chuyện, các từ được dán vào đồ vật trong nhà, các bức tường ở nhà cũng được dán đầy các quy tắc ngữ pháp khác nhau”.

Trong một năm chuẩn bị cho kỳ thi vừa qua, gia đình anh Đường đã chi gần 30.000 NDT (khoảng 102,6 triệu đồng) tiền học phí cho con. Chưa kể vì không còn suất nên gia đình phải cho con sang Ma Cao (đặc khu hành chính của Trung Quốc) để thi. Phí đăng ký, ăn ở, đi lại và chi phí nghỉ việc trong một tuần cộng lại lên đến hàng nghìn USD.

Trong khi đó, một phụ huynh tên Tề Huân đã cho con gái lớp 4 đã hoàn thành kỳ thi KET đầu tiên. Là một người học ngôn ngữ ngay từ nhỏ, chị Tề Huân nghi ngờ nhiều về tính hiệu quả của hệ thống kiểm tra KET, tuy nhiên, sự lựa chọn giáo dục của phụ huynh này bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. 

“Hầu như ai cũng đi thi nên chúng ta phải ‘đi theo dòng chảy”, phụ huynh này cho biết.

Tề Huân cho con ôn luyện và đi thi bởi tin tưởng rằng nó có thể thúc đẩy việc học và nâng cao trình độ tiếng Anh của con gái cô. Nhiều phụ huynh cũng hy vọng có thể mang lại trải nghiệm "phong phú và đầy màu sắc" cho quá trình trưởng thành của con mình thông qua chứng chỉ được quốc tế công nhận.

Hơn nữa, mặc dù nhà trường chưa bao giờ tuyên bố rõ ràng rằng sẽ đưa điểm KET vào tiêu chí tuyển chọn, nhưng sau khi con trai anh Đường vào trung học cơ sở, vị phụ huynh này phát hiện ra rằng hầu hết mọi người trong lớp đều có chứng chỉ KET.

Ở những khu vực có thành phố hạng nhất tại Trung Quốc, các bậc phụ huynh vẫn ngấm ngầm hiểu rằng "không vượt qua bài kiểm tra KET có nghĩa là con không có vé vào trường tốt". 

Tử Huy