Suốt gần 1 tháng qua, nhịp sống của gia đình chị Hoàng Mai Vân (Hà Đông, Hà Nội) đảo lộn vì chuyện học trực tuyến của con.

Chồng thường xuyên đi công tác xa nhà, một mình chị Vân phải chăm hai con đang học lớp 2 và lớp 5. Giai đoạn một tuần trước Tết, chị đành xin làm việc tại nhà để kèm con học hành.

“Mệt mỏi vô cùng vì vừa phải nấu cơm, dọn nhà, vừa phải làm việc, nhắc nhở con học online. Đứa bé do mới học lớp 2 nên tinh thần tự học còn chưa cao. Lúc nào con học, mẹ cũng phải ngồi bên cạnh để đăng nhập, bật camera, bật mic giúp con”.

Sau Tết, vì công việc không thể dồn lại, chị Vân đành chuyển nhiệm vụ này sang cho bà nội. Thế nhưng, bà mẹ hai con cũng liên tục gặp phiền toái vì “điện thoại không ngừng rung”.

“Mẹ đi làm nhưng vẫn phải theo dõi con từ xa. Một buổi học, hai thằng gọi mẹ không biết bao nhiêu lần. Điện thoại cũng liên tục rung, nào là thông báo trong nhóm zalo lớp cu em, nào là tin nhắn từ nhóm viber lớp cu anh.

Có khi, cô giáo đổi mật khẩu lớp học đến mấy lần, nhưng không phải lúc nào mình cũng trực zalo được. Thế là mẹ đang ngồi họp, con lại tiếp tục gọi inh ỏi vì không đăng nhập được. Trong nhóm phụ huynh, cô giáo cũng nhắc “cháy máy” vì không thấy con vào lớp. Mẹ lại phải cuống cuồng nhắn tin cho cô, đầu như muốn bốc hỏa”.

{keywords}
Phụ huynh vui mừng khi con được đi học trở lại

Nghe tin Hà Nội có thể sẽ cho học sinh đi học trở lại vào tuần tới, chị Vân vui mừng: “Con đến trường còn có thầy cô giáo, chứ ở nhà bố mẹ chỉ chạy theo thôi cũng “bở hơi tai”. Chỉ mong mọi việc sớm bình thường để bố mẹ cũng có thể quay trở lại quỹ đạo như trước đây”.

{keywords}

 

Có hai con đang học lớp 4 và lớp 7, chị Đào Ngọc Ánh (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho rằng, thời gian qua với gia đình chị quả là mệt mỏi. Hình ảnh bà mẹ dắt theo cô con gái học lớp 4 đi làm đã trở nên quen thuộc.

“Thời gian đầu, hai vợ chồng tôi cũng nhất trí phương án để cả hai đứa học ở nhà. Nhưng hôm nào mạng lỗi là y như rằng cả bố, cả mẹ lại mất nguyên buổi sáng để gọi điện ngược xuôi. Chốc chốc lại thấy “Mẹ ơi/ Bố ơi con bị out rồi”. Thế là mẹ lại phải gọi loạn lên để cầu cứu người chạy sang trợ giúp”.

Thấy không hiệu quả và cũng không yên tâm, chị Ánh xin nghỉ việc một ngày để ở nhà học cùng con.

“Tôi cố gắng dạy con các thao tác đăng nhập, giải thích cho con đây là phương pháp học mới, con cần phải thích nghi vì trên thế giới cũng có rất nhiều bạn đang phải học theo hình thức này.

Thậm chí, bố mẹ còn phải dùng đến “biện pháp mạnh” là dọa dẫm: “Nếu học không cẩn thận, mẹ sẽ gửi con sang học ở nhà cô giáo chủ nhiệm”. Nhờ thế, sau một thời gian hỗn loạn, chuyện học hành của đứa lớn giờ đã đi vào nề nếp, còn đứa bé vẫn phải lên cơ quan cùng để mẹ kèm cặp”.

Dù không còn phải lo chuyện giám sát con học, nhưng chị Ánh lại băn khoăn việc tiếp nhận kiến thức của con khi việc học trực tuyến chưa thực sự hiệu quả.

“Nói là học 1 tiết như trên lớp nhưng lúc bị “out” ra, lúc lại phải mò mẫm đăng nhập vào, chắc thời gian học cũng chỉ khoảng 20 phút. Thi thoảng, con về báo cáo với mẹ rằng đoạn này, đoạn kia con không nghe được gì vì lúc đó con bị thoát ra ngoài, vì thế kiến thức thu được cũng chẳng là bao”.

Chị Ánh cũng bày tỏ mong muốn các con sẽ sớm được quay trở lại trường để gặp bạn bè, thầy cô. “Dù sao, được cô giáo chỉ bảo tận tay vẫn sẽ hiệu quả hơn là nhìn qua màn hình máy tính. Hơn nữa, con cũng sẽ vui vẻ, thoải mái hơn là việc suốt ngày bị giam lỏng trong bốn bức tường”.

{keywords}
 

Chị Mai Thanh Huyền (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng bày tỏ sự vui mừng trước thông tin các con được quay trở lại trường vào tuần tới.

“Một tháng qua không biết bao nhiêu lần bố lũ trẻ kêu gào: “Khi nào tụi nhỏ mới đi học trở lại đây?”. Kể từ ngày bọn nhỏ không đến trường, năng suất làm việc của phụ huynh cũng giảm hẳn”, bà mẹ hai con than thở.

Ngoài học online môn Toán và Tiếng Việt, trẻ cũng phải học thêm các môn như Thể dục, Âm nhạc. Phụ huynh cũng phải đóng vai trò hỗ trợ con quay lại video bài học rồi nộp bài qua zalo cho giáo viên.

“Hai bạn nhà mình đang học lớp 4 và lớp 1, lại đúng vào hai khối lớp vất vả. Con học online ở nhà, bố mẹ xác định cũng không làm được việc gì. Hết in bài, gửi bài, quay chụp, chỉnh máy, chỉnh loa đài,… rồi theo dõi tin nhắn thông báo ở các nhóm.

Lúc nào, mắt cũng phải dán vào điện thoại vì sợ bỏ lỡ thông báo gì về bài vở của con. Có hôm, mẹ phải họp vội vàng hai cuộc họp để về nhà sớm, chuẩn bị cơm nước cho con trước giờ học online lúc 6h45 tối”.

Chị Ánh cũng cho rằng, thời gian học online kéo dài sẽ khiến bọn trẻ, phụ huynh và cả giáo viên đều cảm thấy rất mệt mỏi. 

Dù mừng vui khi các con trở lại trường, chị Ánh hi vọng trường đảm bảo tất các các biện pháp phòng chống dịch,… để phụ huynh có thể yên tâm.

Thúy Nga

Trẻ ‘mờ mắt’ vì học online cả ngày trước máy tính

Trẻ ‘mờ mắt’ vì học online cả ngày trước máy tính

Ban đầu thấy con hào hứng với việc học online, chị Thư bèn đăng ký thêm lớp tiếng Anh do một thạc sĩ Việt sống tại nước ngoài nhận dạy kèm qua zoom. Nhưng cả ngày ngồi trước máy tính khiến con chị bắt đầu quá tải và chán nản.

Đằng sau ‘điều kì diệu’ về học online ở Việt Nam

Đằng sau ‘điều kì diệu’ về học online ở Việt Nam

Còn rất nhiều thách thức cần vượt qua để dạy học trực tuyến trở thành phương thức giáo dục chính thức và phát huy được thế mạnh của nó. Trong đó, thách thức lớn nhất chính là chuyển đổi “kĩ năng số” cho giáo viên, nhà quản lý...

Hà Nội 'chốt' cho học sinh trở lại trường từ 2/3

Hà Nội 'chốt' cho học sinh trở lại trường từ 2/3

UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho học sinh trở lại trường học từ ngày 2/3/2021 (thứ Ba). Sinh viên, học viên được trở lại trường từ ngày 8/3.