Các khách mời của toạ đàm đã bình luận xoay quanh các vấn đề “nhìn nhận đúng về phụ nữ trong thiên tai” và đưa ra các đề xuất, kiến nghị “làm thế nào để phát huy năng lực, đóng góp của phụ nữ với công tác PCTT”. |
Tại toạ đàm trực tuyến “Phụ nữ với thiên tai” tối ngày 19/10, những câu chuyện về “góc nhìn của phụ nữ với thiên tai” đã được chia sẻ và thảo luận sôi nổi. Chương trình do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức.
Chia sẻ về hiện trạng ở địa phương mình, chị Phùng Thị My Ni - Chủ tịch UBMTTQ xã Đông, huyện KBang, tỉnh Gia Lai – cho biết, nơi chị sống có dòng sông Ba đi qua và do địa hình đồi dốc, tập trung nhiều suối nên mùa mưa thường xảy ra lũ lụt kéo dài, gây thiệt hại lớn.
“Ngay tại thời điểm này, mưa lớn cũng xuất hiện suốt một tuần qua, các thành viên nữ trong Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn, Đội xung kích PCTT của xã đã vô cùng tích cực trong việc vận động bà con nhân dân di dời tài sản, gia súc ra khỏi khu vực Tây Sông Ba, đề phòng lũ quét. Hiện các con đường ra khu sản xuất gần như ngập úng, chị em gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển và tiếp cận các hộ dân sinh sống gần sông”.
Chị My Ni chia sẻ, có nhiều đoạn đường phải đi bộ 3-4 km. Địa hình đồi dốc, nhiều khe suối nên nguy cơ sạt lở rất lớn, nhưng kỹ năng và phương tiện ở địa phương còn thiếu thốn, trong khi kiến thức chuyên môn và kỹ năng của chị em còn hạn chế. Bởi các đợt tập huấn, huấn luyện dường như chỉ thành viên nam được tham gia. Hiện tại các thành viên nữ chủ yếu phụ trách công tác hậu cần và huy động nguồn lực, chuẩn bị quân tư trang, vật dụng cho Đội.
Tham gia toạ đàm, nữ ca sỹ Sèn Hoàng Mỹ Lam - một người con của dân tộc Nùng lớn lên ở Lào Cai - cũng chia sẻ về ký ức những mùa mưa lũ ở quê hương cô. “Mưa lũ, sạt lở có thể khiến những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, hoặc đôi khi bản thân những người phụ nữ mất đi cả tính mạng”.
Bây giờ, đời sống của đồng bào vùng cao đang ngày càng được cải thiện, tuy vậy cô vẫn mong muốn phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng được quan tâm nhiều hơn, trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai, để có thể tự bảo vệ mình và những người thân khi không may có sự cố xảy ra.
Một người phụ nữ lội nước đi nhận hàng cứu trợ ở thị trấn Kiên Giang, Lệ Thuỷ, Quảng Bình đợt lũ tháng 10/2020. Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN nhấn mạnh, phụ nữ vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, vừa là nhân tố quan trọng trong quá trình phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong gia đình, cộng đồng, có mối quan hệ gần gũi với những người xung quanh, cũng có khả năng tạo ra nguồn lực để thích ứng và giảm nhẹ thiên tai.
Trong những năm qua, trên cương vị là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức các chương trình tập huấn, lớp học cho phụ nữ trên khắp cả nước để ứng phó tốt hơn với các hậu quả của thiên tai.
Bên cạnh những thuận lợi, bà Nguyễn Thị Minh Hương cũng khẳng định, còn những khó khăn cơ bản. Đó là: vẫn tồn tại sự nhìn nhận chưa đúng, chưa công bằng của xã hội, các cấp, các ngành đối với vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong các hoạt động phòng chống lũ lụt; tồn tại những định kiến đối với phụ nữ trong thiên tai như quan điểm cho rằng phụ nữ là “nhóm nạn nhân”; “phụ nữ không nên tham gia vào các hoạt động quản lý giảm thiểu rủi ro thảm hoạ. Định kiến này trong bối cảnh thiên tai sẽ khiến vai trò tham gia của phụ nữ ở thế thụ động, phụ nữ bị hạn chế tham gia.
Bởi vậy, đại diện lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam cho rằng, các kế hoạch hành động PCTT/thích ứng với BĐKH ở tất cả các cấp cần được xây dựng theo phương pháp có sự tham gia của đầy đủ các thành phần, bao gồm nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi và trình độ.
Nêu giải pháp để thay đổi đóng góp của phụ nữ với công tác PCTT, trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez nhấn mạnh 2 nội dung. Thứ nhất, để bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái trong các thảm họa, chúng ta cần nâng cao nhận thức và năng lực của các bên liên quan của cộng đồng và chính phủ về vấn đề an toàn và an ninh của phụ nữ và trẻ em. Trong thời gian tới, UN Women sẽ cùng với Tổng cục xây dựng một hướng dẫn về đảm bảo an toàn cho phụ nữ khi sơ tán và di dời trong thiên tai.
Thứ hai, để phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác phòng chống thiên tai, cần tạo thêm không gian hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ để họ có thể đóng góp nhiều hơn vào công tác PCTT tại Việt Nam, được nhiều người biết đến và được ghi nhận nhiều hơn.
Đăng Dương