"'Xấu hổ' là tên của trò chơi này. Tôi luôn tự đổ lỗi về mọi thứ mình gây ra khi say. Tôi tự trách bản thân vì nghĩ rằng đó là thái độ nên có mà người khác mong đợi", Emma Tilley (25 tuổi), nhân viên khách sạn đến từ Brighton (Anh), miêu tả cảm xúc khủng khiếp sau mỗi lần say xỉn.
Nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí trực tuyến BMJ Open cho thấy phụ nữ trên toàn thế giới ngày nay uống rượu tương đương với nam giới. Song định kiến xã hội khiến nữ giới cảm thấy xấu hổ và hối hận sau khi say xỉn nhiều hơn so với đàn ông, theo Refinery29.
Xấu hổ và hối hận
Theo nghiên cứu do Global Drug Survey công bố gần đây, số phụ nữ hối hận sau khi say rượu nhiều hơn nam giới 30%. Có 39% phụ nữ được hỏi từng say xỉn ít nhất một lần trong năm 2021, con số này ở nam giới là 29,6%.
Có 39% phụ nữ hối hận vì phát sinh quan hệ tình dục do say rượu và 17% cảm thấy lo lắng khi tỉnh dậy ngày hôm sau.
Thái độ về chuyện say xỉn của phụ nữ cũng thay đổi theo từng thời kỳ. Theo nhà sử học David W. Gutzke, 70% phụ nữ Anh tuyên bố kiêng rượu vào năm 1960.
Đến những năm 1990 - với sự nổi lên của nhạc khiêu vũ và Vương quốc Anh đón nhận điều mà Viện Nghiên cứu về Rượu gọi là "nữ quyền hóa các sản phẩm rượu, không gian uống rượu và văn hóa uống rượu" - phụ nữ bắt đầu uống nhiều hơn.
Nữ diễn viên hài Eleanor Conway đã sản xuất chương trình mang tên "Walk Of Shame" để kể về những năm tháng tiệc tùng và say xỉn quá mức của mình.
"Tôi lớn lên vào giai đoạn cuối những năm 1990 và đầu 2000, khi phụ nữ uống rượu nhiều như đàn ông. Đó là thời kỳ ra đời của The Girlie Show, tạp chí Loaded, và những tay săn ảnh chụp những tấm hình dưới váy các ngôi sao trẻ", Eleanor nhớ lại.
Eleanor nói rằng bà từng làm những điều điên rồ, thiếu an toàn khi say xỉn. Bà uống rượu để đối phó với chứng lo âu của mình, nhưng khi tỉnh dậy vào ngày hôm sau lại cảm thấy xấu hổ và hối hận.
Ann Dowsett Johnston, tác giả cuốn Drink: The Intimate Relationship Between Women And Alcohol, nói rằng: "Như một kiểu văn hóa ở phương Tây, chúng ta đổ lỗi cho phụ nữ. Người ta có xu hướng nghĩ rằng một phụ nữ say là 'buông thả', nhưng lại dễ tha thứ hơn nếu đó là đàn ông".
Tiêu chuẩn kép
Một nghiên cứu năm 2011 từ Đại học Sussex đưa ra bằng chứng cho thấy phụ nữ phải đối mặt tiêu chuẩn kép trong hầu hết lĩnh vực trong cuộc sống, bao gồm cả vấn đề liên quan đến rượu.
Nghiên cứu cho thấy các đặc điểm như "say xỉn nơi công cộng" được coi là "nam tính", những người tham gia khảo sát cũng sửa đổi phong cách uống rượu để phù hợp với bản dạng giới của họ.
Có thể định kiến về việc phụ nữ uống rượu quá lớn đã khiến nữ giới ít có khả năng vào trung tâm cai nghiện hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ để cai nghiện rượu.
"Rất khó để phụ nữ thoát khỏi những trách nhiệm ràng buộc trên người họ, đặc biệt nếu đó là một bà mẹ. Điều này gây ra bởi quan niệm văn hóa về vai trò mà phụ nữ phải đảm nhận", Ann nói.
Hai quan điểm phổ biến nhất là "Phụ nữ uống rượu vì căng thẳng, kiệt sức và lo lắng", còn "Đàn ông uống rượu chỉ để tìm niềm vui".
Tiến sĩ Emma Davies nói rằng: "Một nghiên cứu của chúng tôi cho thấy say xỉn, một thứ đáng xấu hổ, lại giống như huy hiệu danh dự cho nam giới, trong khi nó gây lo ngại về sự an toàn cho phụ nữ".
Theo thống kê năm 2021, 39% nạn nhân bị hiếp dâm cho biết đã bị ảnh hưởng bởi rượu vào thời điểm xảy ra vụ việc; tỷ lệ những kẻ hành hung được báo cáo là có uống rượu vào thời điểm tấn công cũng tương đương.
Tuy nhiên, chính các nạn nhân buộc phải trả lời câu hỏi về việc "uống quá nhiều".
"Phụ nữ nhận lỗi và nghĩ rằng nếu họ không say thì điều đó đã không xảy ra. Từ khi còn trẻ, chúng tôi đã được dạy rằng phải cẩn thận, và hãy tự trách mình dù đó không phải lỗi của chúng tôi. Phụ nữ cũng có quyền say xỉn!", Davies nói.
Vẫn còn nhiều phụ nữ luôn tự trách mình, xấu hổ và hối hận sau mỗi lần say. Ann cho rằng gốc rễ của việc xóa tan nỗi xấu hổ và kỳ thị nằm ở chỗ giáo dục trái tim, trí óc và nam giới.
Theo Zing