Hiện nay, công nghệ số đã phát triển đến tận các bản làng xa xôi. Thậm chí tại nhiều vùng dân tộc thiểu số, những cô gái sơn cước chỉ quen với làm nương rẫy trồng ngô, trồng khoai đã bắt đầu biết quay clip, dựng video.

Chị Lý Thị Thủy (TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang) là người dân tộc Tày, trước đây chị chỉ làm nương rẫy, cuộc sống quây quần bên gia đình. Tuy nhiên, khi mạng xã hội phát triển, chị Thủy trở thành một Tiktoker nhận được hàng trăm nghìn lượt theo dõi.

Chị Thủy tự mình sắp đặt cảnh quay với điện thoại thông minh và sử dụng một số phần mềm cắt dựng để sản xuất ra những video chất lượng. Nhiều video của chị Thủy có hàng triệu lượt xem.

ha giang.png
Phụ nữ Hà Giang phát triển kinh tế nhờ vào công nghệ nền tảng số. Ảnh: P.V. 

Ban đầu chị Thủy làm những video quay lại khung cảnh cuộc sống của người Tày, ngày hội của bà con dân tộc vùng cao với mục đích chia sẻ tới cộng đồng mạng.

Chị bất ngờ khi những video ấy được rất nhiều người quan tâm theo dõi. Thậm chí, khi xem những hình ảnh chị Thủy cùng bà con dân tộc đi hái chè, nhiều người đã thích thú và hỏi mua sản phẩm.

Thấy vậy, chị Thủy nảy sinh ý tưởng quay các clip giới thiệu sản vật địa phương như chè Shan tuyết trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, thịt trâu gác bếp, thịt ba chỉ treo gió… Nhiều khách hàng từ Bắc tới Nam đã đón nhận, mua sản phẩm qua kênh mạng xã hội của chị Thủy. Nhờ đó, gia đình Thủy có thêm thu nhập, đời sống khấm khá hơn rất nhiều.

Không riêng Thủy, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hà Giang đang phát triển kinh tế nhờ bán hàng đặc sản địa phương trên mạng xã hội. Trường hợp của chị Hải (ở thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên) là một điển hình.

5 năm nay, chị Hải bán mật ong bạc hà và các đặc sản vùng cao qua mạng xã hội Facebook. Hồi đầu, mỗi ngày chị Hải chỉ bán được vài đơn nhỏ lẻ, dần dần khách biết đến nhiều hơn, lượt tương tác tăng giúp chị bán hàng chục đơn hàng mỗi ngày.

Để bán được hàng trên nền tảng mạng xã hội, chị Hải cho rằng cần kiên trì, chịu khó đăng bài, đảm bảo chất lượng sản phẩm thì khách sẽ tìm tới. Sự phát triển của công nghệ đã giúp các chị em phụ nữ ở nhà vẫn kiếm được tiền, làm chủ kinh tế của mình. 

Hiện nay, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Vị Xuyên cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến cho chị em phụ nữ địa phương phát triển kinh tế qua nền tảng số và tích cực tham gia công cuộc chuyển đổi số. Hội thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn để phụ nữ tiếp cận chuyển đổi số nhanh nhất.

Triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết chuyên đề số 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Giang về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới năm 2030, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai nhiều chương trình chuyển đổi số cho hội viên hội phụ nữ các cấp.

Hiện tại, Hội đã thực hiện hàng nghìn cuộc tuyên truyền về mục đích, vai trò của ứng dụng chuyển đổi số trong cuộc sống hàng ngày, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hội viên hội phụ nữ đã tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số ở địa phương.

Tại các thôn, bản trong tỉnh xuất hiện các mô hình chuyển đổi số cộng đồng như triển khai chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký các sản phẩm đặc sản, OCOP địa phương lên các sàn thương mại. 

Tuy nhiên, phụ nữ Hà Giang chiếm đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất còn khó khăn, dân trí thấp nên công tác này còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền tới hội viên về ứng dụng công nghệ, hình thành các nhóm Zalo, Facebook tuyên truyền, xây dựng các nhóm bán hàng trên mạng.

Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng tích cực trang bị thêm nhiều thiết bị cho hội phụ nữ cơ sở để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng sống và vị thế của chị em phụ nữ.

Phương Anh