Có thể nói, một trong những nét nổi bật, điểm nhấn của nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17 là việc tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và thí điểm thực hiện các mô hình, tiêu chí mới về “gia đình 5 có, 3 sạch”. 

Trong đó, nội dung về “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động tiếp tục được đưa vào tiêu chí 17.8 về xây dựng nông thôn mới (tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch).

Nhiều giải pháp, hoạt động đã được Hội LHPN các cấp triển khai, thực hiện nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện tiêu chí đề ra. Hội LHPN tỉnh đã khảo sát xây dựng và đề xuất UBND tỉnh ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình 3 sạch, xoá bỏ hộ không có nhà tiêu, giai đoạn 2024 - 2026”; tổ chức Hội thảo quốc tế “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nước sạch và vệ sinh ở nông thôn”; giải ngân số vốn hơn 5 tỷ đồng cho phụ nữ vay thực hiện các công trình nước sạch, vệ sinh….

Những đóng góp của hội phụ nữ các cấp thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4.716 hộ đạt các tiêu chí về “5 không 3 sạch”, 307 hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình 5 có, 3 sạch”.

B4_A1.jpg
Buôn Kuốp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk

Còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ hộ dân chưa được tiếp cận nước sạch, có nhà tiêu hợp vệ sinh còn khá cao, nhất là ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hộ nghèo; tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm vẫn là tiêu chí khó định lượng và tính bền vững không cao; 

Bên cạnh đó, một bộ phận phụ nữ vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về mục đích, ý nghĩa thực hiện “3 sạch”, nhiều mô hình còn chưa thực chất, chưa có hiệu quả; tình trạng sử dụng sản phẩm từ nhựa, hóa chất trong sản xuất kinh doanh và sinh hoạt vẫn phổ biến…

Vừa qua vào đầu tháng 9/2024, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn”.

Theo thông tin tại hội thảo, hiện nay, tỷ lệ hộ gia đình ở Đắk Lắk sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam mới chỉ đạt 25,67%, nguồn nước từ công trình cấp nước tập trung và cấp nước nhỏ lẻ. 

Toàn tỉnh có gần 17.600 hộ không có nhà tiêu, chiếm khoảng 5%, phần đông rơi vào các hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật, gia đình neo đơn, thu nhập thấp, nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề nước sạch, vệ sinh.

Để hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng tiếp cận với nước sạch và vệ sinh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cùng với chuyên gia của UNICEF đã phối hợp hỗ trợ Hội LHPN tỉnh xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình 3 sạch, xóa bỏ hộ không có nhà tiêu, giai đoạn 2024 - 2026”, phấn đấu đến hết năm 2026 vận động được 3.700 hộ gia đình xây nhà tiêu, lắp đặt thiết bị chứa nước hợp vệ sinh.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh đã nêu lên thực trạng, hạn chế và những khó khăn của tỉnh về vấn đề nước sạch và vệ sinh khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà H’Yim Kđoh cũng đề nghị các ngành, cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương tăng cường các chính sách hỗ trợ, đầu tư các công trình nước sạch tại các vùng khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 

Đồng thời, tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, thói quen để nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe; triển khai thực hiện tốt các gói chính sách, các nguồn vốn vay ưu đãi cho hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện tiếp cận vay để đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; có kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng thiên tai…