Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc. Trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Chủ tịch nước:
Thưa bà Ai-rin Na-ti-vi-đát, Chủ tịch Hội nghị,
Thưa các Quý vị đại biểu,
Trước hết, tôi xin bày tỏ những ấn tượng đặc biệt khi đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tươi đẹp, đất nước của Hoàng Thái hậu Sếch-kha Pha-ti-ma Bin Mu-ba-rắc, người được UN Women (Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ) vinh danh và trao Giải thưởng vì Sự thay đổi năm 2017 – một giải thưởng nhằm ghi nhận những đóng góp tiêu biểu trong lĩnh vực bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ trên thế giới.
Năm nay, Hội nghị của chúng ta lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực Trung Đông – một trong những cái nôi của lịch sử văn minh nhân loại và là cửa ngõ giao thương, hợp tác quốc tế hết sức sôi động. Đây là bước tiến mới, đánh dấu uy tín, vị thế rộng mở của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu sau chặng đường hơn 30 năm hoạt động, ngày một quy tụ những phụ nữ ưu tú từ nhiều quốc gia, châu lục cùng cống hiến tâm huyết, trí tuệ và tài năng vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam, tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt đến toàn thể quý vị đại biểu và chân thành cảm ơn sự tiếp đón chu đáo, thân tình của Ban Tổ chức Hội nghị, của Bà Chủ tịch Hội nghị và nước chủ nhà.
Thưa Quý vị đại biểu,
Thế giới đang trải qua nhiều biến động lớn do tác động đan xen của những thách thức toàn cầu, phủ bóng lên đời sống và tương lai của hàng triệu người dân. Song, thế giới cũng đang định hình những xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ và thực chất. Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm và bảo đảm an sinh xã hội trở thành quyết sách chủ đạo của nhiều quốc gia. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục là động lực cho sự phát triển đi lên của nhân loại. Chuyển đổi số đang làm thay đổi căn bản phương thức quản lý của chính phủ, của sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống xã hội.
Là một phần quan trọng, không thể thiếu của thế giới, phụ nữ không thể đứng ngoài mọi chuyển động của thời đại, mà ngược lại, cần chủ động thích ứng và vươn lên, góp phần tạo dựng những xu hướng tích cực đó. Đặc biệt là tham gia kiến tạo chính sách, thể chế thuận lợi, giúp khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ, đóng góp vào tiến trình phát triển của nhân loại; xoá bỏ những định kiến, rào cản giới không phù hợp.
Chính vì vậy, tôi đánh giá cao ý nghĩa thiết thực và tính thời sự của chủ đề Hội nghị năm nay: “Phụ nữ: tạo dựng môi trường mới của sự thay đổi” và xin kiến nghị một số nội dung sau:
1. Phụ nữ hãy chung tay xây dựng môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, là yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững, bảo đảm và thúc đẩy toàn diện các quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ. Trước những xung đột, bất ổn, chia rẽ trong quan hệ quốc tế hiện nay, tất cả các quốc gia và chủ thể có liên quan cần ứng xử có trách nhiệm, vun đắp cho hoà bình, hợp tác, bình đẳng, công bằng, giảm thiểu đau khổ, mất an ninh, an toàn cho người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.
2. Thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức và doanh nghiệp trong việc tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Các khuôn khổ pháp lý, thể chế chính sách và phương pháp quản trị ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu cần được thiết kế thuận lợi để giúp phụ nữ dễ tiếp cận trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, bắt nhịp với những xu thế chuyển đổi lớn. Vai trò của các mạng lưới phụ nữ như kinh nghiệm thành công của Hội nghị chúng ta cũng cần được phát huy tối đa, để phụ nữ kết nối và hỗ trợ lẫn nhau cùng vươn lên, tự chủ và thành công trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế.
3. Thu hẹp khoảng cách giới, đảm bảo phụ nữ không bị tụt hậu trong quá trình chuyển đổi số; nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy phụ nữ tham gia học tập và theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái khi tham gia môi trường số; khắc phục tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực trên môi trường mạng.
4. Vấn đề giới và trao quyền cho phụ nữ cần được lồng ghép xuyên suốt vào mọi chính sách phát triển và triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Bảo đảm sự tham gia bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ trong quá trình ra quyết định, nhất là trong phòng ngừa, giải quyết và tái thiết hậu xung đột. Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái trước tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và nhiều vấn đề toàn cầu khác.
Thưa Quý vị đại biểu,
Trong quá trình phát triển, Nhà nước Việt Nam không ngừng thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Thực hiện lồng ghép và triển khai hiệu quả các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, các chiến lược phát triển. Năm qua, Chính phủ đã tập trung cao độ cho các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là phụ nữ sau đại dịch Covid-19. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, phụ nữ Việt Nam ngày càng có vị thế và đóng góp nổi bật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và xếp hạng cao trên thế giới về bình đẳng giới trong tham chính, trong đó tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30,3%; các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 59%. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 49,04%; tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 28,2%. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tỷ lệ nữ có trình độ cao ngày càng tăng, tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 44,2%, tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt 28%, có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Theo phân tích được công bố ngày 27/4/2023 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đạt được cân bằng giới về kỹ năng số, trên tổng số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam luôn tích cực, chủ động đóng góp trách nhiệm trong các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; có nhiều sáng kiến, dấu ấn nổi bật trong khuôn khổ ASEAN, ASEM, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế - Xã hội v.v... Trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam luôn ưu tiên nội dung thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, và sẵn sàng hợp tác các nước trong nỗ lực chung này, với phương châm “Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.
Tại địa bàn Nam Xu – đăng, Abi-ey và Cộng hoà Trung Phi xa xôi, các nữ sỹ quan Việt Nam đang ngày đêm phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc; tận tuỵ, hết lòng chăm sóc người bệnh, hỗ trợ người dân sở tại, thực sự là những sứ giả của hoà bình, của tình đoàn kết, hữu nghị. Trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đang xây dựng Chương trình Hành động Quốc gia về Phụ nữ, Hoà bình và An ninh, nhằm góp sức vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì một tương lai tốt đẹp, an toàn và bình đẳng cho phụ nữ.
Tại Hội nghị năm nay, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và mong muốn được lắng nghe những kinh nghiệm hay, các câu chuyện truyền cảm hứng tại nhiều quốc gia; đồng thời đề xuất các sáng kiến để chung tay xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn, để phụ nữ ngày càng được bình đẳng và phát triển.
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.