Năm 2022, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 được Chính phủ phê duyệt. Một trong các nhiệm vụ của chương trình là nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Phú Thọ là một tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ, cội nguồn của dân tộc Việt Nam với hệ thống đa dạng các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng kháng chiến.

Tỉnh hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước. Trong 967 di tích lịch sử – văn hóa phải kể đến Di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 73 di tích quốc gia, 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan hát Xoan; các di tích khảo cổ thời tiền sử và sơ sử như Làng Cả, Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun…

Triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Phú Thọ đang xây dựng lộ trình cụ thể để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Tour trải nghiệm hát Xoan tại đình cổ Hùng Lô là sản phẩm OCOP về du lịch của tỉnh Phú Thọ. 

Tỉnh xác định đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. 

Nhiều điểm du lịch tiêu biểu, có giá trị mang đặc trưng vùng Đất Tổ được xác định là nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển du lịch Phú Thọ cùng với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn như: Vườn Quốc gia Xuân Sơn là một trong ba vườn quốc gia của Việt Nam có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy thích hợp cho việc tắm, ngâm phục hồi sức khoẻ và chữa bệnh; đồi chè Long Cốc; đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, Ao Giời - Suối Tiên, Đình cổ Hùng Lô.

Điển hình là mô hình du lịch trải nghiệm ở đình Hùng Lô (xã Hùng Lô) là sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng đầu tiên được tỉnh Phú Thọ định hướng xây dựng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Mô hình này được coi là hình mẫu để các xã nông thôn khác trên địa bàn tỉnh học tập và làm theo, từ đó tạo đòn bẩy, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn tỉnh theo hướng tích hợp đa giá trị.

Thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình hạ tầng trong xã được đầu tư nâng cấp, xây mới khang trang, tiện nghi. Những ngôi nhà cổ được gìn giữ sạch đẹp từ nhà đến ngõ.

Nhiều tuyến đường được trồng cây, trồng hoa xanh tươi, rực rỡ, tạo điểm nhấn về cảnh quan. Nếp sống văn hóa ngày càng được củng cố, các sinh hoạt, phong tục tập quán lành mạnh vẫn được nhân dân bảo tồn và phát triển. Xã có câu lạc bộ hát Xoan phục vụ định kỳ và khi có yêu cầu của du khách. Ngoài trải nghiệm hát Xoan, du khách đến đây còn được trải nghiệm ẩm thực độc đáo với bánh chưng, mỳ gạo, bánh đa...

Phú Thọ cũng quan tâm chú trọng công tác xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng có thế mạnh. Một số điểm đến du lịch nông thôn được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái địa phương như Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn. 

Tại đây, các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Tiêu biểu là du lịch cộng đồng ở bản Cỏi và bản Dù. Cùng với phát triển du lịch, hai bản này được chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang. 

Biểu diễn nghệ thuật ở Homestay Quỳnh Nga tại bản Dù (Xuân Sơn). 

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục định hướng các địa phương bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.

Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường.

Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…) tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền.

Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch.

Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn…).

Xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản nông thôn, ăn uống, giải khát, vệ sinh…) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các điểm du lịch với khoảng cách hợp lý.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc tư vấn, thiết kế sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá, kết nối với các điểm đến khác; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cho người dân.

Chủ thể của loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là những người nông dân, vì thế, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và phát huy các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, cũng như gìn giữ cảnh quan thiên nhiên.

Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các bên liên quan để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông sản cũng như phát triển sản xuất, đa dạng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. 

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV