Bài 2: Nỗ lực thoát nghèo, bản Cỏi bừng sức sống mới
Vượt qua gần chục km rừng già nguyên sinh cộng với cơn mưa rào đầu mùa Hạ, chúng tôi có mặt tại xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn)- 1 trong những xã nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Biến tiềm năng thành lợi thế
Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Hà Đức Minh, cho biết: Xã có 310 hộ, 1.272 nhân khẩu, trong đó dân tộc Dao và Mường chiếm gần 100%. Những năm trước đây, người dân trong xã chỉ dựa vào làm ruộng và chăm sóc rừng để sinh sống. Do xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thiếu nên cuộc sống của nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao.
Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, huyện Tân Sơn, chương trình trình 30a, 135, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, hiện nay các đường trục chính trong xã đã được mở rộng, đường lưới điện quốc gia được kéo về cùng nhiều hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng mới… được triển khai đã giúp xã như được khoác áo mới.
Nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn nên xã có nhiều lợi thế về phát triển du lịch, đặc biệt là mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Để biến tiềm năng thành lợi thế, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa cộng đồng Mường, Dao trên địa bàn; tăng cường xúc tiến đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư bên ngoài như các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất để phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng; hỗ trợ bà còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như trồng cây dược liệu, cây thuốc nam, phát triển sản phẩm hàng hóa,… để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Ngoài ra, xã cũng phối hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia tăng cường công tác quản lý và bảo vệ các hang động, danh lam thắng cảnh, gắn với nâng cao ý thức phục vụ du lịch của nhân dân trên địa bàn và hình thành các tua du lịch cộng đồng.
“Nhờ tận dụng được lợi thế và khai thác được tiềm năng nên việc phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc Mường, Dao tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân hiện nay.
Hiện toàn xã có 10 cơ sở homestay phục vụ khách du lịch với khả năng phục vụ 300 khách/ngày. Những năm gần đây, cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch của Vườn Quốc gia Xuân Sơn ngày càng được quan tâm đầu tư, sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đang hình thành rõ nét đã thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan trải nghiệm.
Kể từ sau dịch Covid-19, khi mọi hoạt động đã trở lại bình thường mới, vào những dịp nghỉ lễ, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã đón hàng lượt khách tới tham quan, du lịch…”, Chủ tịch xã Hà Đức Minh chia sẻ.
Phấn đấu đưa khu Cỏi ra khỏi diện đặc biệt khó khăn
Tới tại bản Cỏi vào một buổi chiều muộn sau cơn mưa, nhưng đường vào bản đã được bê tông hóa sạch sẽ nên từ trung tâm xã vào bản, đoàn công tác của chúng tôi chỉ mất khoảng 5 phút chạy xe.
Ngay đầu bản, đập vào mắt là chiếc cổng chào với dòng chữ “Bản văn hoá Cỏi”.
Bản Cỏi có 94 hộ dân với hơn 83% là người dân tộc Dao Tiền.
Dẫn chúng tôi đi 1 vòng quanh bản, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đặng Văn Quyết kể: Bản Cỏi mặc dù vẫn là khu đặc biệt khó khăn của xã với tỷ lệ hộ nghèo còn cao song so với những năm trước đây, đời sống của người dân bản Cỏi hiện đã có nhiều thay đổi. Bản Cỏi hiện đã trở thành điểm du lịch cộng đồng được nhiều du khách trong nước, quốc tế ghé thăm bởi nơi đây vẫn lưu giữ được vẻ hoang sơ và bản sắc văn hóa độc đáo của người Dao Tiền.
Nhờ biết khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch, phát triển sản xuất, cung cấp các sản phẩm nông sản phục vụ khách du lịch nên những năm gần đây, đời sống của bà con bản Cỏi ngày càng khởi sắc với những ngôi nhà xây khang trang, các tuyến đường trong bản được mở rộng và đang được đổ bê tông sạch sẽ, hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời được lắp đặt trên toàn khu, internet cũng đã phủ sóng về tận bản.
Có được những kết quả trên là nhờ chi bộ khu Cỏi đã có nhiều giải pháp trong cụ thể hóa, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế- xã hội, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế với các sản phẩm dịch vụ cùng với việc quảng bá, giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào Dao, phấn đấu đưa khu Cỏi sớm ra khỏi khu đặc biệt khó khăn.