Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) là 811 hộ, tỷ lệ 2,27%; hộ cận nghèo là 1.378 hộ, tỷ lệ 3,85%. Phú Vang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2024 còn 1,9%.
Phú Vang xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt. Ông Trần Gia Công, Bí thư Huyện ủy, nhấn mạnh công tác này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, vươn lên của người dân. Vì vậy, ngay từ đầu năm, để kết quả thực hiện các phương án thoát nghèo năm 2024 có hiệu quả, Bí thư Huyện ủy Phú Vang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương khẩn trương tập trung rà soát, rà soát lại hộ nghèo theo từng tiêu chí cụ thể.
Điều này nhằm phản ánh đúng thực trạng của đời sống nhân dân tại địa phương, xác định nguyên nhân giảm nghèo, từ đó có phương án giúp đỡ cụ thể, phối hợp hỗ trợ sinh kế, xây dựng, sửa chữa nhà ở, đào tạo nghề, vay vốn…
Các ban, ngành, địa phương cũng đánh giá hiệu quả, khó khăn trong các mô hình sinh kế đã triển khai để có cách tổ chức thực hiện sát với tình hình thực tế. Phú Vang cũng xác định tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng hoá nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Huyện ủy Phú Vang đã chỉ đạo quyết liệt các chương trình và chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết số 17-NQ/HU và Nghị quyết số 17/NQ-HĐND. Nhiều kế hoạch đã được ban hành và thực hiện như Quyết định số 3169/QĐ-UBND về phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo, Kế hoạch 273/KH-UBND về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và nhiều chính sách hỗ trợ quan trọng khác.
Từ các văn bản này của huyện, các địa phương tại Phú Vang chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững năm 2024. Các xã, thị trấn quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; Hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần của người dân.
Đơn cử, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 5,2% xuống còn 3,5% (tương đương giảm 46 hộ) vào cuối năm 2024; Đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Xã phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi, đủ năng lực lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.
Tại xã này, 100% người thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí. 100% học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các chính sách khác về giáo dục theo quy định.
Trong nửa đầu năm nay, các chính sách, giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở huyện Phú Vang, giúp người nghèo, cận nghèo được trực tiếp thụ hưởng thực chất. Hơn 2.000 học sinh nghèo, mồ côi đã nhận được hỗ trợ miễn giảm học phí và chi phí học tập với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng. Gần 4.000 người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng. Ngoài ra, gần 10.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng quy định.
Quan tâm về nhà ở cho người dân, với các nguồn huy động từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện và của các tổ chức, cá nhân, Phú Vang đã triển khai hỗ trợ 21 nhà trong 6 tháng đầu năm 2024 với kinh phí 640 triệu đồng.
Quan tâm chiều thiếu hụt về việc làm, Phú Vang đào tạo nghề cho 150 lao động nông thôn, trong đó có 14 đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời 6 tháng đầu năm, huyện đã giải quyết việc làm cho 281 đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Để tạo việc làm, sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình giảm nghèo, trao sinh kế phù hợp đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân. Gia đình bà Phan Thị Gái (trú tại thôn An Hạ, xã Phú Mỹ) là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ ngư lưới cụ để khai thác thủy sản trị giá 14 triệu đồng. Nhờ bộ ngư cụ, gia đình bà Gái và nhiều hộ đã đánh bắt được nhiều cá hơn, kiếm thêm thu nhập. Đây là động lực để bà con nghèo tiếp tục tăng gia sản xuất, phấn đấu thoát nghèo.
Ở Phú Vang, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân nghèo cũng được cộng đồng trong huyện đùm bọc, giúp nhau tạo việc làm tại chỗ. Đặc biệt tại Phú Vang, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững phát triển mạnh mẽ.
Đơn cử là mô hình nuôi xen ghép và kinh doanh vật tư nuôi trồng thủy sản của nông dân Trương Ngọc Nhật (xã Phú Gia). Mỗi năm, mô hình đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người, tạo việc làm thời vụ cho 40 lao động khác. Với sự hỗ trợ về vốn bằng cách cho mua nợ vật tư nuôi trồng thủy sản và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, anh Nhật đã giúp rất nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.