Thông qua Tuyên bố Seoul
Diễn ra trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh sau đại dịch COVID-19 trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, hội nghị thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) bế mạc tối 31/5 được kỳ vọng tạo động lực giải quyết những thách thức toàn cầu nghiêm trọng, tăng cường hợp tác giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển cùng tham gia hành động vì khí hậu thông qua đẩy mạnh hơn nữa hợp tác đối tác công-tư trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Hội nghị do Hàn Quốc chủ trì, được tổ chức theo hình thức trực tuyến gồm phiên thảo luận thượng đỉnh có sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel; và phiên thảo luận chung với sự tham gia của 170 quan chức chính phủ, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức dân sự, giới học thuật. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria cũng tham dự sự kiện này.
Phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ |
Với chủ đề “Phục hồi xanh bao trùm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon”, tại phiên đối thoại cấp cao, lãnh đạo các nước tập trung trao đổi 3 nội dung ưu tiên gồm phục hồi xanh sau đại dịch COVID-19, nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đến năm 2050 đạt mục tiêu trung hòa carbon, tăng cường hành động vì khí hậu và tạo thuận lợi cho hợp tác công-tư.
Các phiên thảo luận chuyên đề trao đổi về mục tiêu trung hòa carbon, chiến lược xanh mới, lương thực và nông nghiệp, nước sạch, năng lượng sạch, công nghệ xanh, tài chính xanh, đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, đa dạng sinh học, kết nối kinh doanh.
6 giải pháp quan trọng của Việt Nam
Tham dự phiên thảo luận cấp cao với tư cách thành viên sáng lập, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đưa ra sáu giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, trong đó khuôn khổ chung là các SDG của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Thứ hai, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia.
Các nước phát triển cần tiếp tục tiên phong thực hiện cam kết về giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thể chế cho các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Thứ ba, quan tâm xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án công-tư trong tăng trưởng xanh.
Thứ tư, nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước của khu vực và thế giới.
Thứ năm, ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch COVDI-19; tăng cường hỗ trợ cung cấp các nguồn vaccine, hợp tác đi lại và duy trì ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy thương mại-đầu tư quốc tế.
Cuối cùng là nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng vì lợi ích chung của toàn nhân loại, bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Hằng Nga