Theo đó, năm 2023, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có 3 phương thức tuyển sinh gồm:

- Xét học bạ (dự kiến 15% chỉ tiêu);

- Xét tuyển kết hợp (dự kiến 15% chỉ tiêu) đối với thí sinh có chứng chỉ quốc tế môn Tiếng Anh tương đương IELTS 6.5 trở lên, chứng chỉ SAT tối thiểu 1200/1600, điểm trung bình chung học tập của 5 học kỳ bậc THPT từ 7,0 trở lên, hạnh kiểm Tốt 5 học kỳ bậc THPT (không tính học kỳ II năm lớp 12);

- Xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến 70% chỉ tiêu).

Chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy (cấp bằng đại học thứ nhất) của Học viện năm nay là 1.950.

Ảnh minh họa.

Về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, thí sinh dự tuyển theo tất cả các phương thức xét tuyển cần thỏa mãn các điều kiện sau:

+ Có kết quả xếp loại học lực của 5 học kỳ bậc THPT đạt 6,5 trở lên (không tính học kỳ II năm lớp 12);

+ Hạnh kiểm từng học kỳ của 5 học kỳ THPT xếp loại Khá trở lên (không tính học kỳ II năm lớp 12);

Thí sinh chịu trách nhiệm về điều kiện nộp hồ sơ (học lực, hạnh kiểm) theo quy định của Học viện. Trong trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển nhưng không đáp ứng yêu cầu về điều kiện nộp hồ sơ, Học viện không công nhận trúng tuyển.

Thí sinh dự tuyển các chương trình chất lượng cao: điểm trung bình chung môn tiếng Anh 5 kỳ THPT (không tính kỳ 2 năm lớp 12) từ 7,0 trở lên.

Thí sinh xét tuyển theo phương thức kết hợp vào các chương trình Báo chí: điểm trung bình chung 5 học kỳ môn Ngữ văn THPT (không tính học kỳ II năm lớp 12) đạt từ 7,0 trở lên.

Thí sinh dự tuyển các chuyên ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) không nói ngọng, nói lắp, không bị dị tật về ngoại hình.

Thi sinh dự tuyển chuyên ngành Quay phim truyền hình phải có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh, dị tật về mắt, ngoại hình phù hợp (nam cao 1m65, nữ cao 1m60 trở lên).

Sau khi trúng tuyển, nhà trường sẽ tổ chức khám sức khỏe cho sinh viên. Sinh viên trúng tuyển nếu không đáp ứng các quy định nêu trên sẽ được chuyển sang ngành khác của Học viện có điểm trúng tuyển tương đương.

Xét tuyển đối với thí sinh tự do: Học viện nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm 2021, 2022. Không nhận hồ sơ xét tuyển học bạ với các thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước đó.

Về học phí dự kiến với sinh viên chính quy năm 2023, các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí.

Các ngành khác hệ đại trà (dự kiến) 506.900 đ/tín chỉ (chương trình toàn khóa 143 tín chỉ).

Hệ chất lượng cao (dự kiến) 1.470.010 đ/tín chỉ (chưa bao gồm 13 tín chỉ Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh).

Lộ trình tăng học phí cho từng năm theo hướng dẫn của Chính phủ và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.