Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) thành lập năm 1995, có diện tích hơn 94 nghìn ha. Về lĩnh vực bảo tồn loài, Pù Mát là một khu tầm cỡ quốc gia mà còn có giá trị cho cả Lào và Đông Dương. Vườn quốc gia Pù Mát nằm trong khu vực sinh thái Bắc Trường Sơn. Đây là một khu vực bảo tồn tính đa dạng sinh học đại diện cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới điển hình lớn nhất khu vực Bắc Trường Sơn.
Về thực vật: Vườn có 2.494 loài, 931 chi thuộc 202 họ. Trong đó có 70 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt; chiếm 2,81% tổng số loài của khu hệ. Pù Mát có đủ sự đa dạng, phong phú về giá trị nguồn gen thực vật của một vườn quốc gia ở Việt Nam.
Về thú: Có 132 loài, thuộc 11 bộ và 30 họ. Trong đó có 42 loài thú lớn, 39 loài dơi và 51 loài thú nhỏ. Có 93 loài trong Sách đỏ Việt Nam tiêu biểu là các loài Voi, Hổ, Sao la, Vượn đen má trắng, Chà vá chân nâu, Khỉ đuôi lợn, Chó sói lửa…
Về Chim: Có 361 loài thuộc 49 họ và 14 bộ bao gồm cả chim bản địa và chim di cư. Trong số này có 287 loài nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, Vườn quốc gia Pù Mát còn có hệ lưỡng cư và bò sát phong phú với 86 loài và 23 loài nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, Vườn còn có nhiều loài bướm quý hiếm.
Nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, ngăn ngừa tình trạng xâm hại rừng, nhiều năm qua Ban quản lý Vườn đã tích cực thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả quy chế phối hợp với các đồn Biên phòng: Phúc Sơn, Môn Sơn, Châu Khê, Tam Quang, Tam Hợp (BĐBP Nghệ An) và các địa phương có địa giới tiếp giáp.
Vườn có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, vì vậy lực lượng kiểm lâm của Vườn đẩy mạnh công tác tuần tra, củng cố lực lượng, bố trí luân chuyển cán bộ nhất là những nơi được coi là điểm nóng về các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên rừng. Vườn quốc gia Pù Mát phối hợp với các tổ chức, nhà nghiên cứu triển khai hệ thống đặt bẫy ảnh điều tra động vật, qua đó cũng giám sát và phát hiện các bất thường hoặc hoạt động săn bẫy động vật trái phép.
Ngoài ra, Vườn quốc gia Pù Mát phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển các nguồn gen quý hiếm. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức tạo sinh kế phát triển kinh tế cho người dân sống quanh khu vực của Vườn. Từ đó, người dân nâng cao nhận thức và có trách nhiệm về bảo tồn thiên nhiên hoang dã, giảm tình trạng vào rừng khai thác gỗ, động vật hoang dã.
Hiện, Vườn quốc gia Pù Mát đang cùng tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) phối hợp trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã. Từ năm 2018, Vườn quốc gia Pù Mát phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife - SVW) triển khai nhiều chương trình thiết thực thúc đẩy du lịch sinh thái Vườn, các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng vùng đệm của vườn. Đặc biệt, các hoạt động giáo dục này đều có sự tham gia của các em học sinh tại trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Con Cuông và khu vực vùng đệm của vườn.
Hiện nay Vườn quốc gia Pù Mát cũng đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Các tuyến trekking mạo hiểm xuyên những khu rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt, chinh phục các đỉnh núi thuộc rừng Pù Mát để săn mây, ngắm cảnh quan hùng vĩ của núi rừng nguyên sinh, du lịch trải nghiệm, nghiên cứu về sự đa dạng sinh học của đại ngàn Pù Mát qua đó cũng tuyên truyền cho cộng đồng về ý nghĩa của bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn ngừa tác động của con người tới môi trường rừng.