Nhìn lại hơn 5 tháng Nga can dự bằng quân sự ở Syria, có thể khẳng định Nga đã thành công trên 5 phương diện.
* Chiến thắng chiến lược của Putin
* Phản tỉnh: Vũ khí cuối cùng của Putin
Quyết định rút một phần lớn quân đội Nga khỏi Syria của Tổng thống V. Putin hôm 14/3/2016 vừa qua là một tuyên bố đầy bất ngờ đối với cộng đồng quốc tế. Đã có nhiều cách lý giải khác nhau về động cơ thực sự của Nga trong quyết định này. Nhưng dù giải thích theo cách nào, giới chuyên gia đều phải thừa nhận Nga đã thành công trong cuộc chiến ở Syria và quyết định rút quân là hoàn toàn có cơ sở và mang tính chiến lược.
Thành công ngoài mong đợi
Nhìn lại hơn 5 tháng Nga can dự bằng quân sự ở Syria, có thể khẳng định Nga đã thành công trên 5 phương diện.
Một là, mục tiêu chống khủng bố đã cơ bản hoàn thành. Đây là mục tiêu số một khi Nga can dự vào Syria. Hiệu quả không kích và sự trợ giúp về quân sự của Nga cho chính quyền Syria cao hơn rất nhiều so với các nước phương Tây. Đến nay, IS đã không còn tồn tại với tư cách là một nhà nước khủng bố, mà bị phân tán thành những nhóm khủng bố nhỏ lẻ ở nhiều khu vực khác nhau. Các lực lượng khủng bố khác, ví dụ như al-Nusra, một chi nhánh của Al Quaeda tại Trung Đông, cũng bị đánh tan tác. Trong bối cảnh đó, đã đến lúc phải điều chỉnh phương thức chống khủng bố, không thể sử dụng sức mạnh không quân quy mô lớn như trước. Thay vào đó, Nga đang chuyển dần sang sử dụng các lực lượng đặc nhiệm, luồn sâu tìm diệt và chuyển giao trách nhiệm cho quân đội chính phủ Syria.
Hai là, mục tiêu hỗ trợ đồng minh và củng cố vị thế chiến lược của Nga ở Trung Đông đã cơ bản hoàn thành. Chính quyền Syria đã giành lại thế chủ động, làm chủ các chiến trường rộng lớn. Thế đứng chân của Nga ở Syria đã vững chắc. Giờ đây, Nga không chỉ có căn cứ hải quân Tartus, mà còn có căn cứ không quân ở Latakia với nhiều khí tài hiện đại, có thể kiểm soát những vùng rộng lớn cả ở trên không phận châu Âu và trên biển Địa Trung Hải. 5 tháng không kích IS đủ để Nga chuyển các thông điệp mạnh mẽ tới NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các lực lượng Shiite thân Nga ở khu vực. Uy tín của Nga ở Trung Đông tăng lên rất mạnh.
Ba là, kể từ sau cuộc khủng hoảng ở Ucraina đến nay, Nga đã chuyển từ thế bị động sang chủ động về chính trị, có thêm các con bài lợi hại trong xử lý quan hệ với Mỹ và phương Tây; buộc Mỹ và phương Tây phải tính tới lợi ích của Nga trong các vấn đề toàn cầu.
Bốn là, Nga đã thành công trong việc phô trương sức mạnh và cải cách quân đội theo hướng hiện đại và tinh nhuệ. Nga thử nghiệm thành công nhiều loại vũ khí mới như các phương tiện chiến tranh điện tử tối tân, máy bay Su-35, hệ thống tên lửa phòng không S-400, xe tăng T-90 cải tiến, vũ khí nhiệt áp thế hệ mới. Đặc biệt, lần đầu tiên quân đội Nga đã đưa người máy bộ binh vào trực tiếp chiến đấu. Điều này sẽ mở ra những cơ hội to lớn cho ngành chế tạo vũ khí Nga.
Tổng thống Nga V. Putin đã lệnh rút quân khỏi Syria hôm 14/3/2016. |
Năm là, mặc dù rất đau sau vụ một máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, nhưng Nga đã biết cách kiềm chế, không sử dụng vũ lực để trả đũa Thổ. Thay vào đó, Nga chủ yếu sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, vạch trần chính sách hai mặt thực dụng và nguy hiểm của Thổ ở Syria và ngấm ngầm giúp các lực lượng vũ trang người Kurd và chống lại các lợi ích của Thổ ở Syria/Trung Đông. Sự tỉnh táo này đã giúp Nga hoàn toàn làm chủ tình hình, không để lặp lại một kịch bản sa lầy như đã từng xảy ra ở Afghanistan.
Chuyển hướng chiến lược sang giai đoạn mới
Với quyết định rút quân, Tổng thống Putin đã cho thế giới thấy Nga đang chuyển hướng chiến lược ở Syria. Nhiệm vụ chống khủng bố và giai đoạn sử dụng sức mạnh quân đội quy mô lớn đã kết thúc. Bây giờ là lúc Nga chuyển sang sử dụng các biện pháp đàm phán, đối thoại để tìm kiếm một giải pháp chính trị toàn bộ cho vấn đề Syria trên thế mạnh.
Từ sau chiến tranh Lạnh đến nay, Nga có rất nhiều kinh nghiệm trong các cuộc chiến tại Chesnia, Grudia và miền Đông Ucraina. Nga đã tính toán kỹ các phương án can thiệp quân sự vào Syria, đặt ra các mục tiêu rất rõ ràng và giới hạn việc sử dụng sức mạnh ở mức cần thiết tối thiểu để đạt được các mục tiêu chính trị đề ra. Có nhiều cơ sở cho thấy Nga đã chuẩn bị kỹ để chuyển hướng chiến lược.
Một là, sau khi Nga can dự mạnh mẽ vào Syria, Mỹ đã phải điều chỉnh các mục tiêu ở Syria và nhân nhượng Nga, rút bớt các lực lượng không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước, chấp nhận xuống thang, không còn áp đặt việc Assad ra đi ngay lập tức như là một điều kiện tiên quyết. Từ cuối 2015, lãnh đạo cấp cao Nga – Mỹ nhiều lần điện đàm, gặp gỡ trao đổi về một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, trong đó hai bên nhất trí về một giai đoạn chuyển tiếp chính trị ở Syria.
Hai là, Nga nhận thức rõ với tình hình nội bộ Syria phức tạp và nhiều phe phái như hiện nay, không thể giải quyết cuộc nội chiến ở Syria chỉ thuần túy bằng một giải pháp quân sự. Việc chuyển hướng chiến lược vào lúc này là cần thiết. Suy cho cùng, vấn đề Syria phải do người Syria tự giải quyết. Những gì mà ông Assad và chính quyền Syria nhận được từ phía Nga đến nay đã là quá đủ. Trong bối cảnh bản thân Nga cũng gặp nhiều khó khăn, Nga còn nhiều việc phải làm và không thể dấn thân trả giá cho những vấn đề không phải là lợi ích sát sườn.
Ba là, để tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, Nga đã khôn ngoan đề cao vai trò và đẩy quả bóng trách nhiệm cho Liên Hợp Quốc, đề xuất ý tưởng liên bang hóa Syria, thuyết phục chính quyền Assad chấp nhận tham gia đàm phán tại Geneva. Điều này đáp ứng nguyện vọng của tất cả các bên, đặc biệt là Mỹ và phương Tây, đồng thời cả chính quyền Syria và các đồng minh của Nga cũng không thể bác bỏ.
Nói tóm lại, sự chuyển hướng chiến lược của Nga vào lúc này là một quyết định rất khôn ngoan và hoàn toàn chính xác. Nhưng liệu Nga có phát huy được thắng lợi về quân sự, giành được những kết quả như mong đợi ở Syria cũng như phá được thế bị bao vây, cô lập về kinh tế và chính trị hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Trần Việt Thái, Học viện Ngoại giao
-----
BÀI LIÊN QUAN:
* Thế kẹt chưa từng có của tổng thống Putin
* Nước Nga đã trở lại vì thế giới cần Putin