Tổng thống Nga Vladimir, hôm 28/3, đã gọi điện cho Tổng thống Barack Obama để bàn bạc đề xuất của Mỹ về một giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng ở Ukraina.

TIN BÀI KHÁC:


Hãng BBC đưa tin, trong một thông báo Nhà Trắng cho biết ông Obama đã đề nghị Nga đưa ra một phản ứng cụ thể bằng văn bản. Trong khi đó, theo phía Kremlin, ông Putin đã gợi ý nghiên cứu cách thức bình ổn tình hình.

Việc Nga sáp nhập bán đảo tự trị Crưm ở miền đông Ukraina đã đẩy mối quan hệ Đông - Tây vào tình trạng căng thẳng.

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama.

Trong cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ đồng hồ, Tổng thống Mỹ kêu gọi ông Putin không tăng cường lực lượng ở vùng biên giới Nga giáp Ukraina.

"Tổng thống Obama nhấn mạnh với Tổng thống Putin rằng Mỹ tiếp tục ủng hộ một con đường ngoại giao... với mục đích xuống thang khủng hoảng", trích thông điệp của Nhà Trắng. "Tổng thống Obama nêu rõ điều này chỉ có thể nếu Nga rút quân và không tiến thêm ước nào nữa để vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina".

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng ngoại trưởng hai nước sẽ sớm gặp nhau để bàn bạc các bước đi tiếp theo.

Đề nghị của Mỹ, được phát triển trong sự tham vấn với phía Ukraina và các nước châu Âu khác, yêu cầu triển khai các giám sát viên quốc tế tới bảo vệ quyền lợi của người nói tiếng Nga ở Crưm, và đổi lại lính Nga ở đó phải trở lại căn cứ của mình.

Nhà lãnh đạo Mỹ đã nhận được điện thoại của người đồng cấp Nga ở Ảrập Xêút - chặng dừng chân mới nhất trong chuyến công du nhiều nước của ông.

Trong một thông báo, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga đã kéo sự chú ý của ông Obama vào "hành vi bạo lực tiếp diễn của những người cực đoan" ở Kiev và ở nhiều vùng khác thuộc Ukraina. Văn bản này nhấn mạnh thêm rằng những cá nhân đó "đang thực hiện nhiều hành động hăm dọa nhằm vào dân thường, các quan chức chính phủ và các cơ quan thi hành luật mà không bị trừng phạt".

Cũng theo thông điệp của Kremlin, Tổng thống Putin đã gợi ý nghiên cứu các bước đi mà cộng đồng quốc tế có thể thực hiện để giúp bình ổn tình hình.

Trong khi đó ở New York, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết ông đã được Tổng thống Nga đảm bảo "không có ý định thực hiện một động thái quân sự nào" vào Ukraina.

Sau khi Moscow quyết định sáp nhập Crưm theo nguyện vọng của người dân bán đảo này, Mỹ và đồng minh đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên các quan chức cấp cao của chính phủ Nga, đồng thời dọa sẽ hành động nhằm vào nền kinh tế Nga.

Thanh Hảo