Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên cuối cùng của ông trong năm 2019 dành cho các phóng viên trong và ngoài nước tại Moscow hôm nay, 19/12, Tổng thống Putin cho biết, phía Mỹ chưa hồi đáp bất kỳ đề xuất nào của Nga về một hiệp ước START mới.

{keywords}
Tổng thống Nga Putin trả lời các câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo cuối cùng năm 2019. Ảnh: Sputnik

Ông Putin khẳng định: "Tôi đã nói và tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng, cho tới cuối năm nay, chúng tôi (Nga) sẵn sàng gia hạn hiệp ước START mới hiện có. Họ (Mỹ) có thể gửi thư điện tử cho chúng tôi vào ngày mai hoặc chúng tôi ký và gửi nó đến Washington. Họ chỉ cần đặt bút ký... Nếu không có hiệp ước START mới, sẽ không có gì kìm giữ được chạy đua vũ trang tái bùng phát và điều này là vô cùng tồi tệ theo quan điểm của tôi".

Theo Sputnik, hồi đầu tháng 12, lãnh đạo Điện Kremlin cũng từng xác nhận việc Moscow sẵn sàng gia hạn hiệp ước START mới "ngay lập tức, càng sớm càng tốt trước cuối năm nay một cách vô điều kiện".

Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Mỹ John Rood bày tỏ, do hiệp ước START mãi tới tháng 2/2021 mới hết hạn nên Washington có đủ thời gian để đàm phán gia hạn một hiệp ước mới. Đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng giữa Mỹ và Nga còn có hiệu lực sau sự đổ vỡ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân trung (INF) hồi đầu năm nay và việc Washington rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 2002.

Vấn đề áp lực cấm vận

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Putin đã trả lời hàng chục câu hỏi của giới truyền thông về nhiều vấn đề. Ngoài bình luận về cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Putin đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về áp lực cấm vận của phương Tây đối với Nga.

Mỹ cùng các đồng minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow vào năm 2014 vì cuộc khủng hoảng ở Ukraina và tiếp tục bổ sung, gia hạn chúng kể từ đó. Theo lãnh đạo Điện Kremlin, những lệnh cấm vận này đã gây tổn hại rất lớn đến thương mại thế giới và nền kinh tế toàn cầu. Song, với Nga, ngoài những tác động tiêu cực, đất nước này đã đón nhận những tín hiệu tích cực như sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, các nỗ lực thay thế nhập khẩu, sự tăng trưởng trong một số ngành công nghiệp như chế tạo máy cho trực thăng và quốc phòng.

{keywords}
 

Ông Putin nói, nền kinh tế Nga đã thích ứng với các cú sốc từ bên ngoài. Đồng Rúp cũng mạnh lên trước những biến động của giá dầu mỏ thế giới.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Brexit

Trước yêu cầu bình luận về các cuộc bầu cử mới đây ở Anh cũng như triển vọng quan hệ với Thủ tướng Boris Johnson, Tổng thống Putin tin Anh muốn quan hệ kinh tế tốt hơn với Nga. Ông ca ngợi ông Johnson đã thấu hiểu tâm trạng của người dân liên quan đến vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) trong quá trình bỏ phiếu. Chúc mừng ông Johnson thắng cử, lãnh đạo Điện Kremlin cho rằng vị thủ tướng này có thể giúp hiện thực hóa quá trình Brexit đang đình trệ.

Các cuộc xung đột ở Ukraina, Libya

Về cuộc xung đột chính trị kéo dài ở Ukraina, ông Putin kêu gọi các lãnh đạo Kiev đương nhiệm tham gia hòa đàm trực tiếp với lực lượng vũ trang ly khai Donbass. Ông nói đã nhìn thấy tiến triển tích cực hướng tới một giải pháp cho Ukraina, kể cả quyết định của Kiev về việc kéo dài địa vị đặc biệt của Donbass. Song, theo ông, việc Kiev không sẵn sàng rút quân khỏi đây là sai lầm.

Về xích mích giữa Moscow và Kiev liên quan đến vận tải khí đốt, ông Putin hứa sẽ tiếp tục bơm khí đốt của Nga qua hệ thống đường ống của Ukraina.

Đối với cuộc nội chiến đang tiếp diễn ở Libya, ông Putin xác nhận Nga đang giữ liên lạc với cả hai lực lượng đối đầu và mong muốn họ sẽ tìm được tiếng nói chung nhằm chấm dứt xung đột.

{keywords}
 

Các kỷ lục họp báo

Cuộc họp báo với các phóng viên quốc tế ngày 19/12 của ông Putin kết thúc sau 4 tiếng rưỡi, lâu nhất từ trước tới nay. Đây là cuộc họp báo thứ 15 kiểu này của lãnh đạo Điện Kremlin. Trong suốt thời gian cầm quyền, tính tới trước sự kiện hôm nay, ông Putin đã dành tổng cộng khoảng 47 giờ, tức là gần 2 ngày để trò chuyện với các nhà báo Nga và quốc tế thông qua sự kiện.

Thep Sputnik, năm nay có tới 1.895 phóng viên, biên tập viên từ khắp nơi trên thế giới đăng ký tham gia và đưa tin về buổi họp báo của Tổng thống Putin, tăng gần 200 người so với kỷ lục thiết lập năm 2018.

Tuấn Anh