- Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố lựa chọn vũ lực ở Ukraina chỉ là giải pháp cuối cùng, loại trừ khả năng đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Ukraina vào thời điểm này. Nhưng điều đó không có nghĩa là Moscow không trừng phạt Kiev.  

TIN BÀI LIÊN QUAN

Hãng Gazprom của Nga đã tuyên bố không giảm giá khí đốt cho Ukraina với lý do Kiev không trả nợ đúng hạn.  

{keywords}

Chính sách này của Gazprom sẽ áp dụng từ thứng Tư tới đây. Động thái này chắc chắn sẽ càng gây khó khăn cho nền kinh tế Ukraina vốn đã điêu đứng.

Lãnh đạo hãng Gazprom là ông Alexei Miller đã có cuộc gặp với Thủ tướng Dmitry Medvedev ở ngoại ô Moscow vào hôm 4/3 vừa qua. Ông Miller cho biết Ukraina vẫn còn chưa trả xong món nợ 1,55 tỉ USD tiền mua khí đốt của Moscow.

Bình luận về quyết định này, Thủ tướng Medvedev nói: “Trong những điều kiện như thế này thì việc đưa ra quyết định ngừng trợ giá khí đốt có vẻ hoàn toàn công bằng”.

Từ tháng 12/2013 Ukraina mua được khí đốt của Nga với mức giá ưu đãi là 268,5 USD thay vì 400 USD trên mỗi 1.000 m3 khí đốt.

Kiev hưởng mức giá ưu đãi này từ cuối tháng 11 năm ngoái, do quyết định không ký thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với Liên minh châu Âu.

Theo thỏa thuận giá cả giữa Naftogaz và Gazprom, mức giảm giá sẽ được đưa ra vào ngày đầu tiên của mỗi quý và được quyết định trong vòng 10 ngày. Nếu không thể đưa ra mức giảm giá mới vào ngày 10/4 tới đây, Ukraina sẽ phải mua khí đốt của Nga mà không được trợ giá.

Hiện tại, hãng Naftogaz của Ukraina đã trả cho Gazprom của Nga 1,28 tỉ USD tiền mua khí đốt của năm ngoái, và đang yêu cầu hoãn nợ phần còn lại cho tới ngày 15/4 tới.

Tuy nhiên, từ đầu tháng Hai vừa qua, Gazprom nói rằng khoản nợ của Ukraina trong năm 2013 đã ở mức 2,63 tỉ USD, điều đó cũng có nghĩa là Naftogaz còn phải trả nốt khoản còn lại vào giữa tháng này.

Đây là một đòn nặng nhằm vào túi tiền gần như rỗng của chính quyền mới thành lập tại Ukraina, khi mà lãnh đạo lâm thời Kiev nói rằng họ cần tới 35 tỉ USD cho nền kinh tế đến hết năm 2015.

Và tất nhiên, chính sách ‘công bằng’ này của Moscow ngay lập tức có tác dụng.

Chỉ vài ngày trước đây, khi các thông tin cho hay những nhóm vũ trang không mang biển hiệu, nhưng nói tiếng Nga kiểm soát khu tự trị Crưm, Kiev đã phản ứng dữ dội.

Trong bối cảnh Kremlin cho tập trận quân sự bất ngờ, việc Thượng viện Nga thông qua đề xuất sử dụng lực lượng vũ trang Nga tại nước ngoài để bảo vệ người dân và cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraina đã bị coi là một lời ‘tuyên chiến’.

Kiev thậm chí còn cầu viện tới Khối quân sự Bắc Đại Tây dương NATO để bảo vệ trước nguy cơ Moscow động binh. Nhưng ngay sau khi Tổng thống Putin xuất hiện trước báo giới và coi vũ lực chỉ là ‘biện pháp cuối cùng’ đối với Ukraina, cuộc đối đầu hạ nhiệt.

Chính quyền Kiev có sự thay đổi đáng kể về mặt thái độ và giọng điệu đối với Moscow khi câu chuyện chuyển từ súng ống sang tiền nong.

Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk cho biết họ vẫn đang chờ câu ‘trả lời rõ ràng’ của Nga về khoản vay trị giá 2 tỉ USD.

“Nga hứa trao một khoản cho vay trị giá 2 tỉ USD dùng để chi trả cho các khoản nợ khí đốt từ thời cựu Tổng thống Victor Yanukovich. Chúng tôi muốn nghe được câu trả lời rõ ràng từ Nga xem liệu họ có muốn thực thi các điều khoản mà họ đã tiến hành vài tháng trước hay không” - ông Yatsenyuk nói.

Trước đó, giải thích về việc trì hoãn gói cứu trợ 2 tỉ USD này, Thủ tướng Nga Medvedev nói rằng Kremlin muốn chờ cho tình hình tại Ukraina đi vào ổn định, đồng thời ông cũng lên tiếng nghi ngờ tính hợp pháp của chính phủ lâm thời được lập nên tại Ukraina.

Trong một động thái có tính hợp tác, hôm 4/3 ông Yatsenyuk nói rằng các lãnh đạo mới của Kiev sẵn sàng đối thoại với Nga và hai chính phủ đã liên lạc với nhau.

Moscow từng hứa hẹn cung cấp gói trợ giúp cho Kiev trị giá 15 tỉ USD mà không có ràng buộc gì nhiều, và đã hoàn tất việc mua trái phiếu 3 tỉ USD vào tháng 12 năm ngoái. Còn về 2 tỉ USD tiếp theo cũng như các cam kết giữa đôi bên, ông Medvedev nói rằng Moscow vẫn thực hiện mọi cam kết đã đưa ra, nhưng với điều kiện là chính quyền Ukraina phải ‘hợp pháp và có hiệu quả’.

Các nhà phân tích cho biết nền kinh tế của Ukraina đang có nguy cơ phá sản. Hiểu điều này, Mỹ hứa hẹn hỗ trợ Kiev khoản vay ‘nóng’ 1 tỉ USD, EU cũng sẽ chung tay một khoản khác để giúp chính quyền mới thành lập tại Ukraina.

Ủy ban châu Âu vừa đề xuất khoản cứu trợ cho Ukraina trị giá 15 tỉ USD cho hai năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến sẽ đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp các gói cho vay cứu trợ này. Điều này sẽ giúp cho Kiev dễ thở hơn phần nào dưới sức ép tài chính của Moscow.

Nhưng đổi lại, Ukraina vẫn phải đối mặt với một loạt yêu cầu khắc nghiệt từ IMF nếu như đề xuất này được thông qua, chẳng hạn như cắt giảm trợ giá cho khí đốt.

Trong hoàn cảnhchi tiêu ‘giật gấu vá vai’ như hiện nay, đứng trước một gói cứu trợ không quá khó khăn từ Moscow và một khoản vay hào phóng nhưng ràng buộc ngặt nghèo từ châu Âu, làn gió mới tại Ukraina liệu có đổi chiều một lần nữa?

Lê Thu