Lộ trình đến với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEC) sẽ là không dễ dàng và Tổng thống Putin sẽ phải bỏ ra nhiều nguồn lực trong năm 2014.
>> Ẩn ý của Putin khi thả kẻ thù số một?
>> Trung Quốc đẩy Nga vào 'vòng tay' Nhật?
>> 'Mời gọi' hấp dẫn, Nga thắng thế
Hồi cuối tháng 12, với việc tuyên bố Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEC) sẽ ra đời vào 2015, Tổng thống Putin đã cho thấy 2014 sẽ là năm Nga tích cực cho sự ra đời của một Liên minh kinh tế mới.
Kế thừa thành tựu năm 2013
Đáp ứng nhu cầu giúp Nga khẳng định lại vị thế của một cường quốc trên thế giới, Tổng thống V. Putin ngay từ khi bắt đầu từ nhiệm kỳ thứ 3 đã thúc đẩy các hoạt động đối ngoại. Năm 2013 chứng kiến sự trở lại của gấu Nga trong xử lý các điểm nóng tại khu vực Trung Đông như Iran, Syria.
Tuy nhiên, thu hút sự chú ý nhiều hơn là những nét mới trong chính sách hội nhập kinh tế quốc tế và hội nhập khu vực của Nga. Cụ thể là đề xuất và triển khai của Moscow trong việc thành lập EAEC.
Theo ông Alexay Fenenko - chuyên viên Viện nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc tế, thành lập một Liên minh kinh tế kết nối hai châu lục Âu và Á là nhiệm vụ số một trong chính sách đối ngoại nhiệm kỳ 2012-2018 của Putin.
Trên thực tế, Nga đã đạt được những thành công nhất định khi Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan đã mang lại những lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, Nga còn đạt được những thỏa thuận về đối tác chiến lược và hội nhập với Uzbekistan, Tadjikistan, Armenia, Moldova.
Các nước khác như Ấn Độ, Iran, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với Liên minh thuế quan thông qua hình thức thành lập khu tự do thương mại, tương tự như mô hình Liên minh này đang đàm phán với Việt Nam.
Tiếp tục những thành công này, vào những ngày cuối cùng năm 2013, trong cuộc họp với những người đồng cấp từ Kazakhstan, Belarus, Tổng thống Putin đã nêu rõ trong hai tháng qua, các chuyên gia của ba nước đã soạn dự thảo Hiệp định về Liên minh Kinh tế Á-Âu với quy chế pháp lý, cơ cấu tổ chức, mục tiêu và cơ chế hoạt động dự kiến.
Tuy nhiên, vẫn còn một khối lượng công việc khá nhiều đang chờ Nga và các nước liên minh giải quyết. Do đó, năm 2014 sắp tới sẽ là năm bản lề có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sự ra đời của EAEC, vốn dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Courtesy Reuters |
Năm 2014 với những chông gai
Liên minh kinh tế mới dưới sáng kiến của Nga được hi vọng có thể cạnh tranh với Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 thành viên. EU mất nhiều thập niên để tạo dựng một liên minh hiệu quả như ngày nay. Trong khi đó, Nga và các nước trong Không gian hậu Xô-viết sẽ chỉ mất 5 năm kể từ khi thành lập Liên minh thuế quan vào năm 2010. Chính tốc độ thần kỳ này đang làm dấy lên những câu hỏi về mức độ bền vững của EAEC trong tương lai.
Trên thực tế, Nga đang phải giải quyết không ít những khó khăn trên con đường xây dựng mô hình hội nhập kinh tế lớn và thực chất hơn trong năm tới.
Đầu tiên đó là thuyết phục Ukraine - quốc gia 46 triệu dân với tiềm năng công nghiệp lớn, có đường biên giới chung với EU tham gia liên minh. Chuyên gia Alexei Malachenko, đại diện trung tâm Carnegie tại Nga, nhận định: "Không có Ukraine, Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ không đầy đủ" và sự có mặt của Ukraine sẽ làm thay đổi tầm vóc của liên minh này.
Tháng 11/2013, sau khi tuyên bố tạm ngừng ký thỏa thuận liên kết với EU, Ukraine đã nhận được các gói hỗ trợ tài chính "hào phóng" từ Nga, song mọi sự giúp đỡ đều có những điều kiện chính trị đi kèm. Theo giám đốc Viện Dân chủ quốc tế Nga Sergey Taran, "tuần trăng mật" trong quan hệ Nga - Ukraine rồi cũng sẽ qua và sớm muộn hai nước sẽ trở lại trạng thái quan hệ căng thẳng.
Thứ hai, trước những rắc rối trong quan hệ Nga - Ukraine - EU thời gian vừa qua, nguyên thủ của Kazakhstan và Belarus đã thể hiện những lập trường thận trọng hơn. Hai nước này đều mong muốn tranh thủ tối đa lợi thế kinh tế từ Nga mà vẫn an toàn trước sự mở rộng ảnh hưởng chính trị của Moscow, đồng thời vừa gắn kết chặt chẽ trong Liên minh kinh tế, vừa rộng tay trên trường quốc tế.
Theo đó, Tổng thống Belarus A.Lukashenko cho rằng EAEC phải có quy chế của một tổ chức quốc tế. Điều này sẽ giúp liên minh hoạt động hiệu quả và phân định rạch ròi thẩm quyền của liên minh và từng nước thành viên.
Trong khi đó, Tổng thống Kazakhstan N.Nazarbaev lại có ý kiến không nên áp dụng khái niệm "chính sách chung" và "thị trường chung" trong đa số hoạt động của EAEC, mà trước mắt chỉ áp dụng cho các lĩnh vực đạt được đồng thuận hoàn toàn. Như vậy, cân bằng lợi ích của các bên và xây dựng một liên minh hiệu quả là nhiệm vụ không đơn giản đối với nước đầu tàu như Nga và Tổng thống Putin.
Vấn đề khó khăn thứ ba trên lộ trình thành lập EAEC là việc mở rộng không gian Liên minh thuế quan ra các nước SNG nhỏ khác. Cho đến nay mới chỉ chắc chắn đối với trường hợp Armenia, khi các thủ tục kết nạp nước này đã hoàn tất. Nga hi vọng có thể kết nạp thêm Kyrgyzstan vào tháng 3/2014. Mặc dù Kyrgyzstan đã thông qua phần lớn lộ trình gia nhập song vẫn còn một số bất đồng về một số yêu sách kinh tế.
Nguyên nhân của sự chần chừ này được cho là do yếu tố Trung Quốc, bởi nếu gia nhập EAEC thì quốc gia Trung Á này sẽ đánh mất quyền tái xuất hàng hóa Trung Quốc sang các nước láng giềng. Có thể thấy, EAEC phải mở rộng quy mô so với Liên minh thuế quan hiện nay chỉ có 3 nước là nhu cầu tất yếu để Nga có thể ảnh hưởng và lôi cuốn các nước khác vào mô hình kinh tế của mình.
Với những khó khăn trước mắt như trên, lộ trình đến với EAEC sẽ là không dễ dàng và Tổng thống Putin sẽ phải bỏ ra nhiều nguồn lực trong năm 2014. Liệu giấc mơ EAEC của Tổng thống Putin có thành hiện thực hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những diễn biến trong năm bản lề sắp tới./.
- Bùi Quốc Khánh