22 giờ đêm, hầu hết những ngôi nhà trên con đường Võ Thành Trang đều rục rịch đóng cửa, kết thúc một ngày tất bật, nhưng tiệm bánh mì của bà Điệp vẫn nhộn nhịp khách ra vào, buôn bán tấp nập.

“Lấy 5 ổ bình thường, ít rau thôi nha chị!”

“Lấy 2 ổ mang về, khỏi ớt nha.”

Thực khách réo gọi liên tục từ ngoài lề đường. Bên trong tiệm, 5 người thoăn thoắt dồn bánh mì theo ý khách, người này nhắc nhở người kia để ổ bánh mì chuẩn theo yêu cầu. Những người làm tại quán đều là con cháu trong gia đình bà Điệp.

"Vì tuổi cao sức yếu nên tôi không còn sức đứng bán cả ngày nữa, mỗi ngày ra tiệm 1-2 lần để trông coi con cháu bán hàng rồi nhắc nhở tụi nó một số thứ. Thay vì tìm người bên ngoài, tôi muốn tạo công ăn việc làm cho con cháu của mình, cũng như giữ gìn nghề gia truyền của mẹ”, bà Điệp bộc bạch.

Quán bánh mì tấp nập lúc 22h đêm (Video: Như Khánh)

Tiệm bánh mì có không gian nhỏ gọn, không trưng bày cầu kỳ, chỉ có tấm biển hiệu in dòng chữ “Bánh mì cô Điệp” cùng một chiếc bàn inox nhỏ đặt phía trước thềm. Trên bàn xếp đầy đủ, ngăn nắp các nguyên liệu tươi ngon để dồn bánh mì như pa tê, bơ, chả, thịt nguội, thịt ba rọi, chà bông, xíu mại, rau sống, nước sốt. Tất cả đều do gia đình bà Điệp tự làm, để đảm bảo về chất lượng.

"Tôi chú trọng từ gia vị. Chẳng hạn như bột ngọt, bột nêm đều được chọn mua ở nơi uy tín, vì nếu mua hàng giá rẻ tràn lan, không nhãn mác thì không đảm bảo an toàn cho người ăn. Tất cả nguyên liệu khác nhập về từ sáng sớm, đảm bảo bán hết trong ngày, không bao giờ để sang ngày mới”, bà Điệp chia sẻ.

b225nh-m236-c244-diep-s224i-g242n.jpg
Tiệm bánh mì đông khách lúc về đêm (Ảnh: Như Khánh)

Tiệm bánh mì của bà Điệp mở bán từ 6-7 giờ sáng đến 24 giờ đêm mỗi ngày. Gần chục thành viên trong gia đình bà Điệp thay nhau đứng bán vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối. Trước các khung giờ cao điểm, bánh mì được dồn để sẵn mới kịp bán.

Giá bánh mì ở đây khoảng 12.000 đồng – 25.000 đồng mỗi ổ. Có khách khó khăn chỉ mua ổ 7.000 đồng, chủ tiệm cũng vui vẻ bán. Theo lời bà Điệp, trung bình từ 6 giờ đến 10 giờ sáng sẽ bán 600 ổ. Từ 10 giờ đến 2 giờ chiều khoảng 200 ổ. Thời gian còn lại quán bán thêm khoảng 700 ổ. Trung bình mỗi ngày, tiệm bánh mì của bà Điệp bán từ 1500-2000 ổ.

“Tôi bán cho đủ khách, từ trẻ đến già, người khó khăn đến người có điều kiện. Nhiều khi họ khó khăn quá chỉ còn có vài nghìn thì tôi cũng bán hoặc cho luôn. Như ổ 7.000 đồng, ổ này có pa tê và bơ, cũng đủ ấm bụng người ta.

Các nguyên liệu ở tiệm cũng truyền thống và đơn giản như những nơi khác thôi, nhưng cái quan trọng là chất lượng thực phẩm và thái độ của mình với khách. Tôi luôn căn dặn các cháu phải vui vẻ, niềm nở, tôn trọng bất kỳ khách nào mua bánh mì", bà Điệp tâm sự.

bánh mì cô điệp sài gòn.jpg
Các nguyên liệu trong ổ bánh mì, gia đình bà Điệp đều tự chế biến (Ảnh: Như Khánh)

Như món bơ ở tiệm, bà chọn loại dầu làm bơ để phần bơ thành phẩm không quá ngấy nhưng vẫn béo, thơm. "Đặc biệt là loại dầu tôi dùng không làm người ăn bị khó tiêu hoá như những loại dầu ăn thông thường”, bà Điệp cho hay.

Đồng hồ điểm 22 giờ đêm, chủ lò bánh mì vẫn đang giao thêm cho tiệm 2 rổ lớn bánh mì nóng hổi, mỗi rổ khoảng 120 chiếc, phục vụ quán bán từ giờ đến 12 giờ khuya. Bánh mì sau khi giao sẽ được tiệm hâm nóng liên tục trong một cái lò than ở phía bên dưới quầy nguyên liệu.

“Không phải nơi nào cũng hâm nóng vỏ bánh mì thế này, tiệm mình làm thế để ổ bánh mì luôn được ấm nóng, giòn và thơm. Khách ăn cũng sẽ bắt miệng hơn nhất là vào buổi đêm thế này”, chị Thuý , người cháu phụ bà Điệp bán bánh mì hơn chục năm nay chia sẻ. 

bánh mì cô điệp sài gòn.jpg
Chị Thúy, cháu gái bà Điệp thoăn thoắt dồn bánh mì cho khách (Ảnh: Như Khánh)

Bạn Bùi Thị Ái (SN 2002, Bình Tân) tranh thủ tạt vào tiệm mua vài ổ bánh mì để lót bụng đêm sau khi tan học về muộn. “Mình thích bánh mì của cô, vỏ bánh mì lúc nào cũng ấm nóng, phần thịt dồn thì tươi, ngon mà giá cũng hợp lý. Nhưng đôi khi chan hơi ít nước nên bị khô một chút. Nhìn chung thì quán thân thiện, dễ thương lắm”, thực khách này chia sẻ.

Tiệm bắt đầu nhận bánh mì và các loại thịt tươi từ 5 giờ sáng, sau đó bà Điệp cùng các con, các cháu bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu để kịp bán. Như với thịt nguội, bà Điệp cho biết mình dùng khuôn để ép thịt và dùng máy để bào mỏng, làm như thế miếng thịt vừa mịn, vừa đẹp mắt mà còn vừa ăn, không quá dày cũng không quá mỏng. Thay vì cắt nhỏ chả và thịt nguội như nhiều nơi khác thì bà chọn cách cắt miếng hình chữ nhật theo chiều dài của bánh mì để dàn đều nguyên liệu. 

bánh mì cô điệp sài gòn.jpg
Bà Điệp ngồi trên chiếc ghế nhựa, tỉ mỉ quan sát, theo dõi con cháu buôn bán, thi thoảng lại nhắc nhở khi cần (Ảnh: Như Khánh)

Ở tuổi 73, bà Điệp vẫn minh mẫn và yêu nghề truyền thống của gia đình. Bà theo mẹ bán bánh mì từ năm 10 tuổi, cũng là người duy nhất trong gia đình 13 con nối nghiệp nghề bánh mì của mẹ. Bà Điệp hạnh phúc vì cô con gái duy nhất của mình cũng theo nghề ấy. Giờ đây, nhìn con gái, các cháu trong nhà thay nhau phụ trông coi tiệm, giữ gìn nghề, bà Điệp an tâm.

"Tôi nói thật là bán bánh mì dễ giàu lắm. Giờ cho tôi bán bánh mì nuôi 10 đứa con ăn học tôi cũng chịu, tuy có cực đó nhưng tôi thích và đam mê dữ lắm”, bà Điệp khẳng định đầy tự tin.

"Mấy chục năm qua tôi đều đi ngủ vào lúc 2 giờ sáng, vì trông con cháu buôn bán xong lại phải tính tới các nguyên liệu, đồ dùng cho ngày bán mới. Chỉ khi xong xuôi hết tôi mới yên tâm đi ngủ. Vậy nên nhiều khi huyết áp tăng nhưng cũng phải ráng, yêu cái nghề này quá rồi thì biết làm sao được”, bà Điệp tâm sự.

Võ Như Khánh