- Tại phiên tòa phúc thẩm cách đây 9 năm, luật sư của ông Nguyễn Thanh Chấn đã đưa ra quan điểm cho thấy thân chủ của mình bị oan. Tuy nhiên, ý kiến của luật sư chưa được xem xét thấu đáo.
Buộc tội
Ngày 29/3/2004, ông Nguyễn Thanh Chấn kháng án kêu oan và trình bày trong đơn rằng mình không phải là người giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15/8/2013.
Đến ngày 26/7/2004, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên xử phúc thẩm ông Chấn. Với trách nhiệm là luật sư bào chữa của ông Chấn, khi đó, ông Bùi Văn Thấm, Trưởng văn phòng luật sư Thủy Nguyên đã chỉ ra những điểm “có vấn đề” trong vụ án.
Ông Chấn trong những ngày mới được tha tù. |
Luật sư chỉ ra căn cứ mà án sơ thẩm kết tội ông Chấn:
Một là: Thời gian ông Chấn đi lấy nước khoảng 15 phút, chậm nhất là 19 giờ 15 ngày 15/8/2003 ông Chấn phải về tới nhà, nhưng theo nhân chứng khai thì 19 giờ 30 vẫn thấy ông Chấn múc nước ở nhà chị Viễn.
Vậy khoảng thời gian 20 phút từ 19 giờ 25 ông Chấn đi đâu, làm gì, với ai? thì ông ta không chứng minh được. Cũng trong thời gian này thì chị Hoan bị giết.
Hai là: Ông Chấn có đơn tự thú ngày 28/9/2003, rằng chính ông ta đã giết chị Hoan.
Ba là: Lời khai nhận tội của bị cáo trước cơ quan điều tra phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm pháp y và tang vật của vụ án, cũng như những tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Bốn là: Bị cáo không đưa ra được những chứng cứ để chứng minh cho hành vi không phạm tội của mình, lời khai của bị cáo tại phiên tòa chỉ nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Gỡ tội
Để chứng minh thân chủ của mình vô tội, vị luật sư đã phản bác từng điểm mà VKS đã dùng để buộc tội bị cáo như đã nêu ở trên.
Ở điểm thứ nhất: Thời gian chị Hoan bị giết và việc sử dụng thời gian của bị cáo từ 19 giờ đến 19 giờ 25 ngày 15/8/2003 là có sự trùng hợp.
Song ở phiên tòa sơ thẩm, chị Viễn xác định, ông Chấn múc nước ở nhà chị lúc 19 giờ 30 phút, anh Trọng chồng chị Viển lại khẳng định, ông Chấn đến múc nước là 20 giờ kém.
Nhưng theo lời khai của chị Viễn, đồng hồ treo tường nhà chị hôm đó hết pin. Như vậy thời gian ông Chấn múc nước ở nhà chị Viễn mà anh Trọng, chị Viễn nêu lên chỉ là ước lượng, chưa chính xác.
Bà Phạm Thị Nhâm, 60 tuổi ở thôn Me có giấy xác nhận, 7 giờ 20 phút tối hôm đó bà ra quán anh Chấn mua kẹo thì gặp anh Thực vào gọi điện thoại ở quán anh Chấn, anh Chấn là người bấm máy cho anh Thực gọi.
Anh Nguyễn Văn Thực xác nhận, ngày 15/8/2003, anh gọi điện tại quán nhà ông Chấn vào khoảng 19 giờ 30. Ông Chấn đã bấm cho anh Thực gọi số máy xxx566095.
Bảng kê điện tử, tự động thanh toán tiền điện thoại của bưu điện gọi từ số máy của nhà ông Chấn thuê bao có cuộc gọi của ông Thực nêu trên là máy gọi đi xxx566095, ngày 15/8/2003, gọi từ 19 giờ 19 phút 51 giây đến 19 giờ 20 phút 31 giây.
Với những tình tiết nêu trên cho thấy, thời gian chị Hoan bị giết nếu là từ 19 giờ 5 phút đến 19 giờ 25 phút thì tại thời điểm này ông Chấn đã ở tại quán bán hàng của nhà mình chứ không ở khu vực xin nước nhà chị Hoan.
Ở điểm thứ hai: Bản án sơ thẩm nêu, vụ án được phát hiện ra tội phạm là do bị cáo tự thú, tự khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Tài liệu trong hồ sơ thì vụ án cho thấy, ông Chấn đã nhận tội, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo đều kêu oan không nhận tội đã giết chị Hoan.
Theo luật sư, về pháp lý: Điều 72 BLHSquy định: Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời khai nhận của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Ở điểm thứ ba: Án sơ thẩm nhận định, bị cáo không vào nhà chị Hoan, nhưng qua lời khai nhận thì bị cáo đã biết rõ, mô tả chi tiết từ cổng hậu sau nhà ra vào đến tủ đựng quần áo, công tắc điện đã tắt, nồi cơm điện còn đèn báo đỏ... Hiện trường phù hợp với lời khai bị cáo.
Luật sư cho rằng, nhà ông Chấn và nhà chị Hoan cách nhau 100 mét, cùng xóm, cùng bán hàng, do vậy, việc ông Chấn mô tả các đồ dùng, vật chứng trong nhà chị Hoan chắc hẳn sẽ không có gì khó khăn.
Theo biên bản khám nghiệm hiện trường vụ án thì có rất nhiều dấu vết như: Nhiều dấu vết chân dưới nền nhà, dấu tay có trên vết máu trên cửa và sẽ có vân tay trên chiếc gối đậy mặt chị Hoan.
Vân tay trên cánh cửa, thanh sắt cài cửa hậu, dấu vết trên bàn công tắc điện. Nhưng vân tay, vết chân trên hiện trường với vân tay, vết chân của bị cáo không được đánh giá và kết luận.
Về giám định pháp y: Luật sư cho rằng, con dao thu ở hiện trường bị cáo nhận dạng là hung khí gây án nhưng dấu vết trên dao đâm nạn nhân không được xác định là của ai?
Nhưng chỉ có lời khai nhận của ông Chấn, sau hơn hai tháng kể từ khi vụ án xảy ra. Trong khi, ở phiên tòa bị cáo lại không nhận những lời khai trước đó.
Chuôi dao theo lời khai của bị cáo đã vứt đi nhưng lại không thu được.
Những tang vật và đồ dùng thu được trong nhà ông Chấn có liên quan đến vụ án như xe đạp, thùng nhựa đựng nước, dép nhựa, quần áo của ông Chấn đã được giặt sạch, thu ở nhà ông Chấn do vợ là bà Chiến nộp.
Do đó, những đồ vật trên không có ý nghĩa quan trọng về pháp lý để buộc tội bị cáo.
Ở điểm thứ 4: Luật sư cho rằng, Điều 63 BLHS quy định: Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan điều tra, VKS và Tòa án phải chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không? Ai là người phạm tội...
Như vậy, nghĩa vụ chứng minh không thuộc về bị cáo mà đó là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Sau khi phân tích đánh giá như đã nêu trên, tại phiên phúc thẩm cách đây 9 năm, vị luật sư đã yêu cầu HĐXX cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại, để bảo đảm việc xét xử được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, ý kiến của luật sư không được xem xét thấu đáo.
Một luật sư khác từng bào chữa cho ông Chấn là ông Nguyễn Đức Biền cho hay: “Ngay từ khi đọc hồ sơ ban đầu, tôi cho rằng anh Chấn không phạm tội. Toàn bộ chứng cứ buộc tội có trong hồ sơ đều là chứng cứ suy diễn. Hồ sơ quá lỏng lẻo, không có chứng cứ gốc. Nhưng đó là quyền của HĐXX”. |
T.Nhung