Liên tục nhận diện những mối đe doạ tiềm tàng trên biển
Ngày 25/10, ngày đầu tiên của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 “Thu hẹp vùng biển xám, Mở rộng vùng biển xanh” do Học viện Ngoại giao tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã có nhiều bài phát biểu quan trọng trong các phiên thảo luận chính.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng hiện nay trọng tâm toàn cầu đang tiếp tục chuyển dịch về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đã và đang trở thành “trung tâm” của tăng trưởng toàn cầu và là đầu tầu quan trọng cho phục hồi toàn cầu và thịnh vượng tương lai. Nhưng tương lai đó không thể được đảm bảo nếu thiếu đi hoà bình, ổn định bền vững nói chung và trên không gian biển khu vực nói riêng.
Hiện nay, cạnh tranh chiến lược đang tạo ra những “chia rẽ lớn” và “rạn nứt lớn” theo như nhận định của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Guterres. Xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới; trên không gian biển tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chắc chắn không tránh khỏi nguy cơ đối đầu và xung đột. Tình hình đó buộc chúng ta phải liên tục nhận diện những mối đe doạ tiềm tàng trên biển, rà soát những cơ chế hợp tác hiện hành để giải quyết những thách thức mới nổi và cùng nhau hành động ngăn chặn những mối đe doạ đó.
Các nước lớn và Những trách nhiệm lớn
Đặc biệt, trong Phiên 2 “Các nước lớn và Những trách nhiệm lớn: Hợp tác và cùng chung sống trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng?”, các học giả đã đánh giá về quan hệ nước lớn nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng, trong đó đề cập đến lợi ích, quan điểm của các nước lớn cũng như ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh công nghệ đến tình hình Biển Đông.
Đa số các học giả đồng tình rằng, vấn đề hòa bình, ổn định ở Biển Đông là quan trọng, ưu tiên của mọi quốc gia và mong muốn tránh xảy ra đụng độ, đối đầu tại khu vực. Tuy nhiên, trái với mong muốn trên, tình hình Biển Đông hiện nay đang trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt trong bối cảnh trật tự thế giới đang có nhiều biến chuyển, năng lực tổng hợp của một số quốc gia thay đổi, đi kèm với đó là mong muốn xây dựng luật chơi mới phù hợp với vị thế nước lớn của mình.
Các học giả cho rằng, quan điểm của các nước lớn về vấn đề Biển Đông có sự bất đồng, khác biệt cơ bản. Một số quan điểm nhìn nhận vấn đề tranh chấp Biển Đông là vấn đề đa phương có ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng quốc tế và khu vực. Trong khi đó, một số quan điểm khác lại nhìn nhận vấn đề Biển Đông qua lăng kính cạnh tranh nước lớn. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt lòng tin giữa các nước và do đó khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng thêm.
Có ý kiến chia sẻ, hành động xây dựng mạng lưới các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phép kiểm soát khu vực Biển Đông cũng là nhân tố tác động tiêu cực tới hòa bình khu vực trong tương lai. Bên cạnh đó, một số học giả cho biết, các quốc gia vẫn có thể chia sẻ kinh nghiệm và cùng thúc đẩy hợp tác minh bạch trong lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật ở khu vực Biển Đông.