Năm 2017, mối quan hệ quốc phòng của Malaysia với Trung Quốc đạt đỉnh cao, sau khi cựu thủ tướng Najib Razak gia hạn biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng trong chuyến công du tới Bắc Kinh.

Đáng chú ý, chuyến thăm này diễn ra vào tháng 10/2016, tức chỉ vài tháng sau khi tòa trọng tài đặc biệt ra phán quyết có lợi cho Philippines về những tranh chấp về yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông. Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Razak dường như quyết không để sự kiện mang tính bước ngoặt trên ảnh hưởng đến việc theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Những nỗ lực này dường như đã được đền đáp, với nhiều cuộc trao đổi cấp cao, các cuộc tập trận song phương quy mô lớn, cùng các cuộc trao đổi kiến thức quân sự diễn ra liên tục giữa hai nước. Thậm chí, tàu ngầm Trung Quốc đã thực hiện 2 chuyến thăm tới căn cứ hải quân Sepanggar của Malaysia, dù căn cứ này nằm ở một vị trí khá nhạy cảm trên Biển Đông.

Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, giới chức Malaysia lại đang ngày càng thờ ơ trước những giá trị trong mối quan hệ quốc phòng với Trung Quốc. Theo phân tích của Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), điều này có thể bắt nguồn từ những xáo trộn trên chính trường Malaysia, dịch Covid-19, cùng với các hành động mang tính khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông.

{keywords}
Thủ tướng Malaysia Rajib Nazak trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2017. Ảnh: Reuters

Dưới thời Thủ tướng Najib Razak, Kuala Lumpur đã có nhiều cuộc trao đổi quốc phòng cấp cao hơn với Bắc Kinh, trong đó có chuyến thăm năm 2016 của Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy trước thềm cuộc tập trận chung Aman-Youyi.

Đến tháng 3 năm 2017, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng trở thành lãnh đạo cấp cao nhất của quân đội nước này đến thăm Malaysia. Ông Hứa Kỳ Lượng đã gặp cả Thủ tướng Najib Razak lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein, và đạt được sự đồng thuận nhằm làm sâu sắc và mở rộng hơn các lĩnh vực hợp tác quốc phòng.

Tuy nhiên, số lượng chuyến thăm song phương giữa hai nước đã giảm mạnh sau khi ông Mahathir Mohamad nhậm chức Thủ tướng Malaysia vào năm 2018. Kể từ đó cho đến nay, giới chức Kuala Lumpur chỉ tham dự Diễn đàn Tương Sơn - một cuộc đối thoại an ninh cấp khu vực do Bắc Kinh sáng lập vào đầu năm 2006, và lễ tiếp nhận tàu sứ mệnh ven biển (LMS) đầu tiên do Trung Quốc sản xuất.

LMS là một phần trong chương trình hiện đại hóa của Hải quân Malaysia, nhằm giảm 15 lớp tàu hiện tại của nước này xuống chỉ còn 5. 18 tàu LMS được Malaysia đặt mua nằm trong kế hoạch trên, với 4 tàu đầu tiên được Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc ký hợp đồng sản xuất.

{keywords}
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng trong chuyến thăm tới Kuala Lumpur, Malaysia năm 2017. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong thỏa thuận ban đầu trị giá 1,17 tỷ ringgit (tương đương 285 triệu USD) được ký kết năm 2017, 2 tàu LMS sẽ được đóng ở Trung Quốc và 2 tàu còn lại sẽ được đóng ở Nhà máy đóng tàu hải quân Boustead của Malaysia, nhằm giúp nhà máy này được hưởng lợi từ việc chuyển giao kỹ năng và công nghệ của Trung Quốc.

Nhưng đến tháng 3 năm 2019, chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đàm phán lại thỏa thuận để cả 4 tàu LMS sẽ được đóng tại Trung Quốc, với chi phí giảm nhẹ xuống còn 1,047 tỷ ringgit (tương đương 255 triệu USD.

Tính đến tháng 3 năm nay, tất cả 4 tàu LMS đã được hoàn thành, và 2 trong số chúng đã đưa vào hoạt động. Hai tàu còn lại dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm nay.

Tháng 10 năm ngoái, tạp chí quốc phòng Jane's đã chỉ ra một số điểm yếu của tàu LMS, có tên gọi KD Keris. Những khiếm khuyết này, chủ yếu liên quan đến “các hệ thống cảm biến và chiến đấu”, được giới chức Malaysia ghi nhận và báo cáo với các nhà thầu Trung Quốc để cải thiện.

Trớ trêu thay, tàu KD Keris lại được Hải quân Malaysia triển khai vào tháng 11 năm ngoái để giám sát chính tàu Hải cảnh Trung Quốc ở Bãi cạn Luconia, nơi được cho là đã xảy ra một vụ đụng độ  giữa tàu hai nước.

{keywords}
Một LMS đang được Trung Quốc đóng cho Malaysia. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Malaysia

Malaysia đã quyết định tìm kiếm các đối tác nước ngoài khác để đóng các tàu LMS còn lại của mình. Hiện tại, khả năng về một cuộc đặt mua rầm rộ các mặt hàng từ Trung Quốc của Malaysia chưa chắc đã xảy ra, dù nhiều hệ thống vũ khí do Trung Quốc sản xuất vẫn nằm trong một số hạng mục mua sắm của nước này. Ví dụ, máy bay chiến đấu JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất và máy bay huấn L-15B do Hàng không Hongdu của Trung Quốc phát triển, đều là những ứng cử viên trong dự án phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ của Malaysia.

Sau cuộc thay đổi chính trị hồi tháng 2/2020, đồng thời với cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra, các hoạt động liên quan đến ngoại giao và quốc phòng giữa Malaysia và Trung Quốc đã bị thu hẹp đáng kể. Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là chuyến thăm hồi tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

Tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Ngụy Phương Hòa đã gặp cả Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob, để cùng thảo luận về các vấn đề trên Biển Đông, phòng chống dịch Covid-19 và tăng cường hợp tác quốc phòng.

Trên giấy tờ, Chính phủ Thủ tướng Yassin đã chỉ định 2 cựu binh trong nội các Thủ tướng Najib Razal làm lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Malaysia. Đặc biệt, việc bổ nhiệm ông Hishammuddin Hussein làm Bộ trưởng Ngoại giao sẽ tạo nên lợi thế trong việc thắt chặt quan hệ quốc phòng Malaysia-Trung Quốc.

{keywords}
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hồi tháng 9/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo SCMP, chính phủ vốn không ổn định của Malaysia đã liên tục bị sao nhãng bởi tình hình chính trị trong nước và dịch Covid-19. Vì vậy, khó có khả năng giới chức Kuala Lumpur sẽ đặt vấn đề hợp tác ngoại giao và quốc phòng với Trung Quốc làm ưu tiên hàng đầu vào thời điểm này.

Bên cạnh đó, các động thái của Bắc Kinh đối với những tranh chấp trên Biển Đông cũng góp phần làm nguội lạnh tình hữu nghị và tăng sự hoài nghi của giới chức quốc phòng Malaysia về hiệu quả của việc phát triển các mối quan hệ quốc phòng với Trung Quốc. Sự kiện giàn khoan West Capella của Malaysia hồi tháng 4 năm ngoái là một minh chứng rõ nét nhất cho điều này.

Tờ báo này nhận định, sự hợp tác quốc phòng Malaysia-Trung Quốc, dù vẫn được xem như một cách thức xây dựng lòng tin giữa hai nước, nhưng giờ đây đã bị nghi ngờ hơn rất nhiều so với những năm đầu thập niên 2010.

Việt Anh

Trung Quốc dùng chiêu cũ ở Biển Đông thử thách ông Biden?

Trung Quốc dùng chiêu cũ ở Biển Đông thử thách ông Biden?

Một số nhà quan sát tin Trung Quốc đang áp dụng một chiến lược cũ ở Biển Đông, vốn từng qua mặt được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama để thử thách tân lãnh đạo Nhà Trắng Joe Biden.

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc đang 'bẻ cong' luật quốc tế trên Biển Đông

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc đang 'bẻ cong' luật quốc tế trên Biển Đông

Các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông và phản ứng của Mỹ cho thấy khu vực này sẽ không thể bình lặng trong một sớm một chiều.