Deirdre Ní Fhallúin.jpg
Đại sứ Ireland tại Việt Nam, Deirdre Ní Fhalluin. Ảnh: Phạm Hải

Đầu tư Ireland - Việt Nam

Chuyến thăm Ireland gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm là một sự kiện hết sức có ý nghĩa. Từ những thành quả sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới thế nào, thưa bà?

Đại sứ Ní Fhalluin: Tôi rất vinh dự được tháp tùng Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm Ireland vừa qua. Đây thực sự là một chuyến thăm đặc biệt, tạo động lực to lớn cho quan hệ song phương. Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, không chỉ mang lại nhiều kết quả thiết thực mà còn thể hiện tình cảm nồng ấm giữa hai nước. Đây cũng là chuyến thăm đáp lễ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Michael D. Higgins vào năm 2016. Tôi biết rằng Tổng thống Higgins rất coi trọng việc đón tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm, thay mặt nhân dân và nhà nước Ireland.

Một số thỏa thuận quan trọng đã được ký kết sau chuyến thăm. Thứ nhất, Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược ngành giữa Ireland và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đại học. Thủ tướng Ireland và Tổng Bí thư Tô Lâm đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận này giữa Bộ trưởng Giáo dục hai nước. Thứ hai, Biên bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại, mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầy hứa hẹn trong tương lai.

Đối với tôi, điều đáng nhớ nhất chính là bầu không khí nồng ấm, thân thiện của chuyến thăm. Cộng đồng người Việt Nam tại Ireland, bao gồm các bạn sinh viên và những người định cư lâu dài, đã có những hoạt động giao lưu tuyệt vời, góp phần làm nên thành công của chuyến thăm và giúp Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại Ireland. Tôi được biết chuyến thăm đã được đưa tin rộng rãi ở Việt Nam, và điều này cũng giúp Ireland được chú ý hơn tại đây.

Một dấu mốc quan trọng khác là Việt Nam sẽ mở Đại sứ quán tại Dublin. Chúng tôi rất vui mừng về điều này.

Tôi được biết là cũng có một Biên bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế đã được ký kết trong chuyến thăm này. Vậy những bước tiếp theo để tăng cường thương mại và đầu tư song phương là gì, thưa Đại sứ? Đại sứ quán có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Ireland và Việt Nam như thế nào trong việc tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA)?

Đại sứ Ní Fhalluin: Đây là lĩnh vực mà tôi đặc biệt quan tâm. Ireland là một quốc gia có nền kinh tế toàn cầu hóa cao, với thương mại và đầu tư nước ngoài đóng vai trò trung tâm. Khi xem xét kim ngạch thương mại và đầu tư giữa Ireland và Việt Nam, tôi thấy mặc dù đang ở mức khá tốt nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa.

Enterprise Ireland, cơ quan nhà nước của chúng tôi có chức năng xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp Ireland hoạt động ở nước ngoài, gần đây đã mở văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng, điều này sẽ hỗ trợ đắc lực cho các công ty Ireland quan tâm đến việc đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp hội Doanh nghiệp Ireland tại Việt Nam, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, đang được tái hoạt động và chúng tôi cũng đang hỗ trợ họ.

Hiệp định EVFTA đã thiết lập khuôn khổ hợp tác thương mại giữa hai chính phủ, cùng với Biên bản Ghi nhớ được ký kết trong chuyến thăm cấp cao vừa qua. Trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp để các quốc gia cùng chung quan điểm về thương mại tự do và cùng có lợi như Ireland và Việt Nam tăng cường hợp tác.

Các lĩnh vực thương mại mà chúng tôi đang tập trung phát triển bao gồm công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ y tế, dược phẩm, thực phẩm và đồ uống. Chúng tôi đang nỗ lực để đưa thịt bò Ireland vào thị trường Việt Nam, bên cạnh việc duy trì thị phần đối với các sản phẩm sữa và hải sản.

Đại sứ có đề cập đến chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp như một phần trong chiến lược sứ mệnh của mình, và Bản Ghi nhớ về chuyển đổi hệ thống lương thực bền vững cũng đã được ký kết trong chuyến thăm cấp cao vừa qua. Vậy chương trình này có thể hỗ trợ gì cho ngành nông nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam là một nước nông nghiệp và đang phải đối mặt với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Đại sứ Ní Fhalluin: Chúng tôi đang tài trợ cho một chương trình mang tên Quan hệ đối tác Nông nghiệp Ireland - Việt Nam, tập trung vào sản xuất lương thực bền vững, do Hệ thống Lương thực Bền vững Ireland (SFSI) triển khai. Chương trình này hiện đã bước sang năm thứ hai, tập trung giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất lương thực và nhấn mạnh việc giảm thiểu lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất.

Một lĩnh vực trọng tâm khác là an toàn thực phẩm, trong đó chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm của Ireland về việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao.

Cụ thể, Ireland đang hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện các chính sách chuyển đổi hệ thống lương thực quốc gia. Một lĩnh vực khác cộng hưởng ở cả Ireland và Việt Nam là vai trò của hợp tác xã nông nghiệp. Mô hình hợp tác xã của Ireland đã cho phép các nhà sản xuất địa phương trở thành các công ty thực phẩm toàn cầu và chúng tôi thấy tiềm năng cho những cơ hội tương tự ở Việt Nam.

Đó là công việc kịp thời trước những thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt, chẳng hạn như xói mòn đất và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.

iLoveIMG Download 1.jpg
Vào tháng 9, Đại sứ quán Ireland đã tài trợ 250.000 euro cho UNICEF nhằm hỗ trợ các hoạt động ứng phó khẩn cấp với cơn bão Yagi tại Việt Nam. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Cơ sở hạ tầng là thách thức

Mô hình kinh tế của Ireland đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất thành công, điều mà Việt Nam có thể học hỏi. Ireland đã trở thành trung tâm đặt trụ sở chính tại Châu Âu của nhiều tập đoàn toàn cầu, như Apple, Facebook, Google... Vậy theo Đại sứ, điều gì đã tạo nên thành công cho cách tiếp cận này và Đại sứ có lời khuyên nào dành cho Việt Nam?

Đại sứ Ní Fhalluin: Theo tôi, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thu hút FDI, tạo ra một môi trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Trong trường hợp của Ireland, giáo dục là một yếu tố quan trọng then chốt. Khi các công ty công nghệ cao, kỹ thuật số, dược phẩm và công nghệ y tế đánh giá các địa điểm đầu tư, họ luôn tìm kiếm một lực lượng lao động có kỹ năng và trình độ học vấn cao.

Trước đây, chính sách thuế đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI của Ireland. Tuy nhiên yếu tố này đang dần trở nên ít nổi bật hơn khi nhiều quốc gia áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu. Trong tương lai, các yếu tố như lực lượng lao động có kỹ năng, môi trường làm việc hấp dẫn đối với các nhà quản lý cấp cao và cơ sở hạ tầng vững mạnh sẽ đóng vai trò then chốt.

Cơ sở hạ tầng - chẳng hạn như nguồn cung năng lượng, hệ thống giao thông và mạng lưới internet băng thông rộng rất quan trọng để thu hút FDI. Việt Nam và Ireland đều nhận thức rõ điều này, nhưng việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng vẫn là một thách thức. Hai nước chắc chắn có thể học hỏi lẫn nhau trong lĩnh vực này.

Một ví dụ thú vị là Intel, Tập đoàn sở hữu một nhà máy sản xuất vi mạch lớn tại Ireland, quê hương tôi, và là một nhà tuyển dụng quan trọng. Intel cũng là một nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Có thể nói, đôi khi hai quốc gia chúng ta cạnh tranh với nhau trong lĩnh vực này, nhưng cạnh tranh rất lành mạnh!

Những gì Đại sứ vừa nói đúng là những điểm rất đáng lưu ý, đặc biệt là khi Việt Nam đang có kế hoạch đầy tham vọng nhằm đào tạo một lực lượng lao động có kỹ năng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030. Với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chúng tôi cũng đang tập trung hơn vào những lợi thế khác, có ý nghĩa hơn mà có thể đem lại cho các nhà đầu tư?

Đại sứ Ní Fhalluin: Tôi cho rằng đó là hướng đi đúng đắn. Chuyến thăm Ireland gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh điều này.

Vào ngày cuối cùng của chuyến thăm, Tổng Bí thư đã đến thăm NIBRT, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quy trình Sinh học Quốc gia của Ireland, nơi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp dược phẩm. Viện có các phòng thí nghiệm hiện đại, thực hiện nghiên cứu tiên tiến về vắc-xin và thuốc điều trị, đồng thời đào tạo đội ngũ lao động có trình độ cao. Mô hình này đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía Việt Nam, và chúng tôi hy vọng sẽ có thể hợp tác để phát triển những mô hình tương tự tại Việt Nam trong tương lai.

vna potal tong bi thu chu tich nuoc to lam tham vien nghien cuu va dao tao sinh hoc quoc gia ireland 7631963 15790.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Viện nghiên cứu và Đào tạo sinh học Quốc gia Ireland. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Thúc đẩy bình đẳng giới, giáo dục

Đại sứ có đề cập đến quan hệ đối tác về giáo dục Đại học giữa Ireland và Việt Nam. Liệu Ireland có đang trở thành một điểm đến du học phổ biến hơn đối với sinh viên Việt Nam hay không, và hợp tác giáo dục giữa hai nước tiếp tục được phát triển ra sao?

Đại sứ Ní Fhalluin: Hoàn toàn có. Một trong những lý do để chúng tôi thiết lập quan hệ đối tác trong lĩnh vực giáo dục đại học chính là sự tương đồng trong câu chuyện phát triển của Ireland và Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Ví dụ, hệ thống giáo dục trung học công lập miễn phí chỉ mới được áp dụng ở Ireland vào những năm 1960, và giáo dục đại học cũng chỉ mới trở nên phổ biến đối với nhiều gia đình Ireland trong những thế hệ gần đây. Giáo dục đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của đất nước chúng tôi, cả về kinh tế và xã hội. Tôi nhận thấy những điểm tương đồng ở Việt Nam, nơi mà các gia đình rất coi trọng việc học hành và đầu tư rất nhiều cho tương lai của con em mình.

Thông qua Chương trình Học bổng Ireland, chúng tôi cung cấp các suất học bổng toàn phần và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học của Ireland với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn Ireland là điểm đến cho các chương trình học đại học và sau đại học.

Với thương hiệu "Education in Ireland" (Giáo dục tại Ireland), chúng tôi tích cực quảng bá các cơ hội học tập tại Ireland thông qua các sự kiện như hội chợ "Study in Europe" (Du học Châu Âu) và "Study in Ireland" (Du học Ireland).

Hiện có quan hệ đối tác giữa Đại học Quốc gia Việt Nam (ĐHQGHN) và Đại học College Cork trong lĩnh vực phát triển quốc tế, và giữa ĐHQGHN và Đại học College Dublin trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Các hoạt động trao đổi này bao gồm các hội thảo, hợp tác nghiên cứu và chia sẻ kiến thức chuyên môn, mang lại lợi ích cho cả giảng viên và sinh viên của hai nước.

Ireland và Việt Nam đã nhất trí thúc đẩy nhân quyền phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi nước và trên cơ sở hợp tác quốc tế?

Đại sứ Ní Fhalluin: Chắc chắn rồi. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về các quyền kinh tế và xã hội, góp phần tạo nền tảng cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

Ireland là một trong những quốc gia tích cực tham gia đàm phán và dẫn đầu trong việc đạt được thỏa thuận về SDGs, và các mục tiêu này được lồng ghép vào chính sách đối ngoại và phát triển của chúng tôi. Cho dù trong lĩnh vực giáo dục, dinh dưỡng hay quản trị, chúng tôi đều áp dụng cách tiếp cận dựa trên nhân quyền, lấy con người làm trung tâm.

Một ví dụ điển hình trong lĩnh vực quản trị là PAPI, hay Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh ở Việt Nam, mà chúng tôi đồng tài trợ và được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) quản lý với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam. Đây là một cuộc khảo sát quy mô toàn quốc, được thực hiện tại tất cả 63 tỉnh thành, trong đó người dân sẽ đánh giá chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ công. Những phản hồi này là vô cùng quý giá và được Chính phủ Việt Nam xem xét, nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách.

Chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt trong quan điểm về một vài vấn đề khác, tuy nhiên chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại một cách cởi mở, tôn trọng và mang tính xây dựng với Việt Nam.

PAPI Group Photo from Quang.JPG
Sự kiện công bố PAPI - Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán cung cấp

Tôi cũng được biết Ireland có cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các chương trình phát triển của mình. Đại sứ quán hiện thực hóa cam kết này tại Việt Nam như thế nào? Đại sứ quán có những sáng kiến cụ thể nào trong lĩnh vực này không?

Đại sứ Ní Fhalluin: Đây là một vấn đề mà cá nhân tôi rất quan tâm, với tư cách là một nhà ngoại giao nữ và là một Đại sứ. Tôi rất tự hào trong năm nay, hơn 50% Trưởng Phái bộ của Ireland trên toàn thế giới là phụ nữ. Tuy nhiên, tại Quốc hội Ireland, chúng tôi vẫn có tỷ lệ đại diện nữ thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Âu, vậy nên không có quốc gia nào là hoàn hảo cả.

Tôi tin rằng cả Ireland và Việt Nam đều nhận thức rõ tầm quan trọng của bình đẳng giới. Trong các chương trình hợp tác, chúng tôi có một dự án hỗ trợ phụ nữ tham gia chính trị cấp địa phương tại bốn tỉnh ở Việt Nam. Dự án này bao gồm việc hỗ trợ phụ nữ trong hoạt động với tư cách là đại diện của cộng đồng. Tôi rất tự hào về những kết quả mà dự án đã đạt được.

Chúng tôi luôn nỗ lực để đảm bảo rằng bình đẳng giới không chỉ giới hạn trong một lĩnh vực riêng biệt. Trong tất cả các chương trình, cho dù là hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số hay trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi đều áp dụng cách tiếp cận lồng ghép giới. Ví dụ, khi làm việc với người khuyết tật, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những khó khăn riêng mà phụ nữ khuyết tật phải đối mặt. Chúng tôi cố gắng lồng ghép quan điểm về bình đẳng giới vào mọi hoạt động của mình.

Thị thực sang Ireland

Cuối cùng, tôi muốn hỏi về quy trình xin thị thực. Theo tôi được biết, công dân Ireland có thể xin thị thực điện tử để đến Việt Nam, nhưng công dân Việt Nam muốn đến Ireland thì quy trình có phần phức tạp hơn, đặc biệt là do Ireland không thuộc Khu vực Schengen. Hiện đang có những nỗ lực nào nhằm đơn giản hóa thủ tục đi lại giữa hai nước không, thưa Đại sứ?

Đại sứ Ní Fhalluin: Việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin thị thực là một trong những ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi rất mong muốn thúc đẩy sự trao đổi thuận tiện hơn giữa công dân hai nước.

Năm ngoái, đã có 23.000 lượt khách du lịch Ireland đến Việt Nam, một con số khá ấn tượng. Chúng tôi đã trao đổi với các đối tác Việt Nam về khả năng miễn thị thực cho công dân Ireland, bởi vì một số quốc gia EU khác đã được hưởng chính sách này. Hiện tại, du khách Ireland có thể sử dụng thị thực điện tử để nhập cảnh vào Việt Nam.

Đối với du khách Việt Nam đến Ireland, điều quan trọng cần lưu ý là Ireland không thuộc Khu vực Schengen; chúng tôi là một phần của Khu vực Du lịch Chung (Common Travel Area) với Vương quốc Anh. Ngay cả sau khi Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), thỏa thuận này vẫn được duy trì vì những lý do lịch sử.

Nếu du khách Việt Nam đã có thị thực đến Vương quốc Anh và nhập cảnh vào Anh trước, thì sau đó họ có thể đến Ireland mà không cần xin thị thực. Tuy nhiên, nếu họ đến Ireland trực tiếp, họ sẽ cần phải xin thị thực Ireland. Quy định này được gọi là "Chương trình Miễn thị thực Lưu trú Ngắn hạn" và bất kỳ ai quan tâm có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết trên trang web của Cơ quan Di trú Ireland.

Một trong những dịch vụ mà Đại sứ quán chúng tôi cung cấp là xử lý thị thực. Trong năm qua, chúng tôi đã nỗ lực để rút ngắn thời gian chờ đợi. Hiện tại, thời gian xử lý hồ sơ xin thị thực trung bình là khoảng bốn tuần, và chúng tôi rất tự hào về điều này.  Mặc dù người nộp đơn cần chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng, nhưng chúng tôi có một đội ngũ nhân viên người Việt Nam tận tâm, sẵn sàng hỗ trợ họ trong suốt quá trình xin thị thực.

Tôi hiểu rằng quy trình này có thể khá phức tạp, nhưng đội ngũ của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ ai quan tâm việc đến Ireland để học tập, du lịch hoặc công tác.

Đại sứ Ní Fhalluin: Ireland là một quốc gia đã vượt qua di sản của chủ nghĩa thực dân để giành được độc lập vào đầu thế kỷ 20. Chúng tôi mới chỉ độc lập được khoảng một trăm năm, và điều này mang đến cho chúng tôi một quan điểm độc đáo so với nhiều quốc gia Châu Âu khác trong cách tiếp cận quan hệ ngoại giao.

Một ví dụ điển hình, chính sách của Ireland đối với tình hình hiện tại ở Trung Đông. Người dân Ireland từ lâu đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với người dân Palestine. Chính những trải nghiệm lịch sử đã tác động đến chúng tôi. Những vấn đề này cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương giữa Ireland và Việt Nam.

Chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của chúng tôi chủ yếu tập trung vào châu Phi, nhưng chúng tôi cũng có một chương trình ODA dành riêng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào, được điều hành từ Đại sứ quán Ireland tại Hà Nội.

Một thành tựu khiến tôi đặc biệt ấn tượng khi mới đến Việt Nam là những hỗ trợ của chúng tôi trong hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo, bao gồm cả giáo dục về nguy cơ bom mìn và xử lý bom mìn chưa nổ. Chúng tôi hỗ trợ những nỗ lực này ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Điều này bắt nguồn từ lập trường lịch sử của chúng tôi: trong khoảng 50 năm qua, Ireland luôn giữ vững lập trường quốc gia mạnh mẽ về giải trừ quân bị. Chúng tôi đã đóng một vai trò quan trọng trong các công ước quốc tế, chẳng hạn như Công ước về Bom, đạn chùm được ký kết tại Dublin vào năm 2008.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Chính thức mở Đại sứ quán Việt Nam tại IrelandTổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thông báo với các lãnh đạo Ireland việc Việt Nam đã quyết định và đang tiến hành các bước mở Đại sứ quán Việt Nam tại Ireland nhằm phát triển quan hệ hai nước.