Người đồng tình, người phản đối.
Không phản đối sao được khi ở nhà không ít học sinh mê mải smartphone, lơ là học hành (kể cả không ít người lớn ngồi đâu cũng thấy cắm mặt vào chiếc điện thoại).
Ở lớp, chiếc điện thoại học trò đã làm lao tâm khổ tứ cho không ít thầy cô, nhà trường. Thầy cô đang say sưa giảng, bỗng chuông điện thoại reo; lớp đang làm bài, vài học sinh bấm điện thoại nhắn tin; giờ kiểm tra, học sinh mở tài liệu "mạng". Không bực mới lạ!
Nhưng ham điện thoại mà quên cả học hành chỉ là than phiền của phụ huynh, không thấy có điều tra, thống kê nào cho thấy học lực học sinh thụt lùi vì chiếc điện thoại. Mà ngược lại, tôi thấy chúng khôn ngoan, thông minh, tiến bộ hơn.
Tôi có đứa cháu mới học lớp 5. Một lần ở nhà, cùng bạn cãi nhau nghĩa của cụm từ "vị thành niên", "trưởng thành" trong sách khoa học lớp 5. Không thống nhất được, chúng sử dụng điện thoại, tìm ông "Gu-gồ". Bà ngoại ngồi theo dõi tâm phục, khẩu phục. Ngày xưa bà phải mất vài hôm, rồi tìm đến thầy cô.
Cái lợi của việc sử dụng điện thoại thông minh một cách đúng cách là góp phần nâng cao chất lượng học tập, giúp các em xử trí nhanh nhẹn, thông minh hơn, có nguồn học liệu phong phú, kịp thời hơn.
Hãy xem smartphone như 1 quyển sách
Vậy có quản lí được việc sử dụng điện thoại của học sinh ở trên lớp không? Tôi nghĩ hoàn toàn được, vấn đề là cách quản lí. Hãy xem chiếc điện thoại như một quyển sách.
Hiện tại, học sinh đến lớp, trong giờ học, nhất cử nhất động đều theo lời thầy. Thầy bảo cả lớp gấp sách vở lại, kiểm tra bài cũ, học sinh răm rắp. Đến bài mới, thầy lệnh cả lớp mở sách trang..., bài..., cả lớp sột soạt mở sách. Thầy giảng, học sinh lắng nghe, vừa theo dõi sách. Tùy tình huống, giáo viên đều có cách xử lý.
Quản lí điện thoại học sinh cũng thế thôi
Đầu giờ học, giáo viên yêu cầu học sinh cất điện thoại vào cặp, tắt chuông, giao nhiệm vụ cho lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó kiểm tra, thầy cô kiểm tra bao quát.
Lúc cần, thầy yêu cầu mở điện thoại, địa chỉ, đường link..., thầy trò cùng tương tác, tìm kiếm, tra cứu theo hướng dẫn của thầy. Khi dùng xong lại cất vào cặp. Giờ kiểm tra, các thầy cô yêu cầu các em cất điện thoại. Cũng có thể cho sử dụng đối với đề mở, giúp các em kỉ năng tự tìm tòi, giải quyết vấn đề.
Không có sự cho phép của thầy thì tất cả điện thoại phải nằm yên trong cặp.
Trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT cũng đã ghi rõ học sinh được sử dụng điện thoại đi động và các thiết bị khác chỉ khi phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.
Tất nhiên cũng có em lén lút trái lệnh như một lẽ thường tình, giáo viên cần nghiệp vụ sư phạm, giải quyết tình huống sư phạm như vốn có của nghề giáo.
Trương Như Đệ (giáo viên nghỉ hưu, Gia Lai)
Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả
Hiệu trưởng ở Lào Cai: 'Cho học sinh dùng smartphone, chưa thấy em nào hư'
“Chúng tôi luôn khuyến khích phụ huynh trang bị cho con em mình smartphone nhằm phục vụ việc học. Kể từ năm 2017 đến nay, chưa thấy học sinh nào hư hỏng vì dùng điện thoại cả” - một hiệu trưởng ở Lào Cai chia sẻ.
Thầy giáo phát hiện 'điều kỳ diệu' khi cho học sinh dùng điện thoại
Cho phép học sinh được nghe nhạc trong giờ tự học miễn là các em đeo tai nghe và không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, thầy giáo Mỹ nhận ra tốc độ làm bài của các em tăng lên nhờ phương pháp này.