Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có các dự án, tiểu dự án với nhiều nội dung liên quan đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Trong đó, nhiều vấn đề liên quan hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề; cung cấp thông tin thị trường lao động để người lao động có khả năng tiếp cận dễ dàng hơn được đưa vào thiết kế nội dung. Ngoài ra còn có những hoạt động giúp các đối tượng có thể khởi nghiệp... Bên cạnh đó, những hoạt động cụ thể, thiết thực cũng được triển khai ví dụ cho vay tín dụng vi mô, hỗ trợ đưa người lao động trong các hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc ở nước ngoài có hợp đồng.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học lao động và xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng những chính sách này về cơ bản đã đem lại hiệu quả nhất định giúp cho người lao động đã tiếp cận được các thông tin, các kỹ năng để có thể có được cơ hội việc làm tốt nhất. "Khi có được việc làm, người lao động có được thu nhập", Tiến sĩ Toàn nhìn nhận.
Cần quan tâm đặc tính văn hoá vùng miền, địa phương trong thiết kế chương trình đào tạo nghề
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng việc thiết kế chính sách, chủ trương rất hợp lý, đúng đắn, tuy nhiên, khi triển khai thực tiễn xuống địa phương lại có thể phát sinh bất cập.
Theo ông Toàn, bất cập này có thể do thiếu tìm hiểu nhu cầu giữa thị trường và cái nhu cầu người học, dẫn đến việc thiết kế các chương trình đào tạo chưa phù hợp. Chẳng hạn, sau khi được đào tạo, người học không thể áp dụng kiến thức vào thực tiễn, không có việc làm, không trợ giúp được sinh kế do chương trình học không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hay thế mạnh của địa phương.
Cũng có một vài nơi do chưa tìm hiểu hết những đặc tính về văn hóa, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số.
Ví dụ, đồng bào vùng cao, vùng sâu vùng xa ở một số địa phương không muốn xuống thành thị làm việc lâu dài mà chỉ quen là sống quanh bản làng. "Nếu chúng ta tìm hiểu và giải quyết rõ nhu cầu gắn với bối cảnh văn hóa của từng địa phương, tôi nghĩ chương trình đào tạo nghề cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn nữa", Tiến sĩ Toàn chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ông Toàn, một đặc điểm chung dễ nhận thấy với các hộ nghèo, cận nghèo, ở vùng sâu, vùng xa là so với các vùng khác, trình độ nhận thức của một bộ phận trong nhóm đối tượng này còn nhiều hạn chế. Đâu đó, người dân vẫn còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, thậm chí một bộ phận vẫn muốn được cung cấp hoàn toàn, cho "con cá" hơn là cho "cần câu" hay cung cấp phương tiện để tạo ra của cải vật chất.
Trình độ nhận thức và tâm lý trông chờ là đặc điểm quan trọng cần lưu ý trong nghiên cứu thiết kế chương trình đào tạo nghề cho nhóm đối tượng này.
Linh hoạt nội dung đào tạo nghề để phù hợp bối cảnh chuyển đổi số
Theo ông Toàn, sự kết nối giữa cung và cầu về bản chất đó là cái sự kết hợp giữa cơ sở đào tạo (nơi thiết kế các chương trình) với các doanh nghiệp (tức là nơi sử dụng) và người lao động.
Nhắc lại sự khác biệt rất lớn giữa các vùng, miền hay đặc trưng văn hóa rất quan trọng, theo đánh giá của ông toàn, việc kết hợp này hiện nay chưa hiệu quả như kỳ vọng, chưa nhịp nhàng. Thực tế, giữa các vùng do các đặc trưng, thế mạnh khác nhau, không thể áp dụng chung một công thức. Chính vì vậy, cần phải giải quyết cả mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động để làm tốt hơn chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt cho nhóm lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Toàn cho hay có nhiều bài học, bằng chứng chứng minh đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương phát triển sản xuất, làm kinh tế rất tốt nhờ áp dụng công nghệ, kinh doanh online.
"Phải chăng chúng ta cũng nên thay đổi, ví dụ đào tạo cả về công nghệ cho người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, những nơi nghèo khó. Việc bổ sung vào nội dung đào tạo vấn đề công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ giúp bà con dân tộc thêm cơ hội được vận dụng kiến thức để chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống", ông Toàn đề xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.