Chịu chi
Tại Triển lãm quốc tế thể thao và xe hai bánh Việt Nam, ông Đỗ Văn Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) rút ngay ví để đặt mua chiếc xe đạp hơn 30 triệu đồng. Dù không phải là vận động viên chuyên nghiệp nhưng với đam mê và có khả năng tài chính, ông Hoàng sẵn sàng đầu tư cho mình một chiếc xe xịn.
“Dù là xe đạp nhưng có mẫu giá ngang ngửa với Honda SH, dân chơi sẵn sàng mua để thoả mãn đam mê”, ông nói.
Theo ghi nhận tại đây, các mẫu xe đạp có giá trên 30 triệu đồng đã bao gồm tất cả phụ kiện được gắn sẵn. Nhân viên cho biết, các mẫu xe khoảng 10 triệu đồng được ưa chuộng hơn bởi mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu sử dụng của phần đông khách hàng.
Ông Nguyễn Thành Duy (chuyên mảng kinh doanh thiết bị phòng tập gym tại Hà Nội) cho hay, nhu cầu tập luyện thể thao tại Hà Nội rất lớn, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ, có thu nhập. Ngoài tới các phòng gym, nhiều gia đình có điều kiện còn tự trang bị phòng tập tại nhà, với nhiều máy móc nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu. Giá một máy tập gym có thể lên tới 100-200 triệu đồng/chiếc.
Nhiều sản phẩm đồ thể thao khác cũng được khách hàng quan tâm. Chị Trần Thị Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, chị vừa tham gia một lớp học chơi golf nên có nhu cầu mua sắm các đồ dùng liên quan tới môn thể thao này.
Theo chị Hương, gậy chơi golf có giá dao động từ loại rẻ 7-30 triệu đồng, loại thông thường 30-80 triệu đồng đến loại cao cấp trên 100 triệu đồng. Các bộ đồ chơi golf giá khoảng 7-10 triệu đồng/bộ. "Đồ tập golf đắt hơn đồ tập gym rất nhiều. Từ khi đam mê môn thể thao này, tôi sẵn sàng chi mạnh tay”, chị nói.
Quy mô 321 triệu USD
Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ VH-TT&DL) đánh giá, văn hóa luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe của mỗi người dân đang phát triển mạnh mẽ. Với xu hướng đáng khuyến khích đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thể thao, tổ chức, cung cấp các loại hình dịch vụ luyện tập, rèn luyện sức khỏe.
Ngành kinh doanh đồ thể thao đang được xem là “gà đẻ trứng vàng”. Ông Randy Dobson, Chủ tịch của CMG.ASIA, đánh giá, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ GDP hộ gia đình chi hàng năm cho sức khỏe và thể chất cao nhất.
Theo báo cáo của McKinsey, năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng ngành hàng thể thao đã phục hồi, tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt 8,8%. Ước tính đến năm 2025, thị trường đồ thể thao thế giới đạt 400 tỷ USD.
Tại Việt Nam, thị trường đồ thể thao ước tính đạt 321 triệu USD (khoảng 8.000 tỷ đồng). Con số này sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới khi thu nhập và nhu cầu của người dân tăng lên hàng năm. Bởi vậy, các thương hiệu lớn thế giới tập trung bán sản phẩm và mở cửa hàng bán lẻ tại các thành phố lớn.
Đại diện Công ty Vinexad cho hay, nhiều thương hiệu quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Anh, chuyên cung cấp sản phẩm chất lượng cao đang mong muốn gia nhập thị trường Việt Nam.
Các doanh nghiệp nội cũng bắt đầu tham gia phân phối bán lẻ lĩnh vực này như Thế Giới Di Động lấn sân sang mảng thời trang thể thao. Bắt tay BH Fitness, Rita Võ cũng bước chân vào lĩnh vực thiết bị thể thao, phân phối chuyên biệt dành riêng cho các phòng tập thể hình…
Ông Nguyễn Thành Duy nhận xét, đại dịch Covid-19 được xem như chất xúc tác đối với ngành hàng thể thao, người ta quan tâm hơn đến sức khỏe và tập luyện thể thao của mình. Thế hệ gen Z - lớp người dẫn dắt tiêu dùng trong tương lai - rất có ý thức trong việc tập luyện thể thao, giữ gìn vóc dáng. Điều này đã tạo nên cú hích, mở ra nhiều tiềm năng, với quy mô thị trường lớn.