Sáng 5/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày, được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương tại Hà Nội đến hơn 11.630 điểm cầu trên cả nước.
Đây là hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đảng viên trong việc triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm của các văn kiện Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu đã nghe ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Theo ông Phan Đình Trạc, nghị quyết Trung ương lần này khẳng định 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
“Đây là lần đầu tiên, Đảng ta xác định thống nhất, đầy đủ, rõ ràng về các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong một nghị quyết của Trung ương trên cơ sở cương lĩnh, Hiến pháp và văn kiện đại hội của Đảng các nhiệm kỳ”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nói.
Ông Trạc cho hay, 8 đặc trưng này vừa phù hợp với những đặc trưng, giá trị phổ quát Nhà nước pháp quyền đã được thế giới công nhận; vừa thể hiện được tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền của XHCN Việt Nam. “Đây là điểm mới, nổi bật của nghị quyết lần này”, ông Trạc nhấn mạnh.
Lạm dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm
Một điểm được ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh tại Nghị quyết này là việc yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
"Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước”, ông Trạc nói.
Ông Phan Đình Trạc chỉ rõ một số điểm đáng lưu ý, đó là quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.
“Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý vi phạm.
Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực. Cho nên chúng ta kiểm soát quyền lực chính là ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực”, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề cập đến việc thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình công khai minh bạch trong từng cơ quan nhà nước. Theo ông, điều này nhằm mục đích kiểm soát quyền lực.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng đề cập đến vấn đề hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, các quyền khác của công dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Ông Phan Đình Trạc cho biết, Nghị quyết yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. "Nghị quyết đặt ra nhưng nghiên cứu rất công phu, phù hợp với thể chế chính trị chúng ta, thực tiễn nước ta”, ông Phan Đình Trạc chia sẻ.
Thực hiện 'bốn không trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực'
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng đề cập đến việc thực hiện "bốn không trong phòng, chống tham nhũng".
Thứ nhất, đó tức là hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng.
Thứ hai, phát hiện xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức để không cần tham nhũng, tiêu cực.
"Đương nhiên việc này góp phần quan trọng thôi chứ không chấm dứt được, bởi những người tham nhũng vừa rồi là những người giàu. Người giàu mà họ tham nhũng lớn”, ông Trạc nêu.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, điểm thứ tư là cần xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Nguyễn Đình Thành, Huỳnh Tuấn Kiệt, Phạm Duy Linh