Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình đã triển khai xây dựng và hỗ trợ 02 mô hình Liên kết chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ với tổng quy mô 105 con lợn thịt tại xã Hưng Thủy - huyện Lệ Thủy (50 con) và xã Thuận Hóa - huyện Tuyên Hóa (55 con).

Mục tiêu chính của mô hình là hỗ trợ khuyến khích người chăn nuôi tiếp cận dần với chăn nuôi hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; từ đó sẽ khuyến cáo nhân rộng cho các cơ sở chăn nuôi lợn khác trên địa bàn tỉnh.

{keywords}
Ảnh minh họa

Mô hình sử dụng giống lợn ngoại nuôi thương phẩm tại địa phương có trọng lượng bình quân khi đưa vào nuôi là 10 - 11 kg/con, đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh, được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định. Thời gian thực hiện mô hình là 04 tháng bắt đầu từ tháng 6/2021 (tại Lệ Thủy) và tháng 7/2021 (tại Tuyên Hóa). Chuồng trại được thiết kế với diện tích phù hợp để làm đệm lót sinh học, tạo điều kiện cho lợn vận động thoải mái. Trong mỗi ô chuồng, 1/3 diện tích láng nền xi măng, 2/3 diện tích sử dụng đệm lót sinh học. Việc sử dụng đệm lót sinh học giúp xử lý tốt chất thải chăn nuôi, giảm mùi hôi rất hiệu quả, hạn chế mầm bệnh trong chuồng nuôi; không phải phun hóa chất tiêu độc, khử trùng; không dội rửa chuồng nên không xả nước thải ra môi trường.

Thức ăn chủ yếu cho lợn là bột ngô, cám gạo mua tại địa phương ủ với men vi sinh, sau đó trộn với thức ăn đậm đặc (có thể thay thức ăn đậm đặc bằng bột cá) hoặc bổ sung men vi sinh vào thức ăn, nước uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Việc bổ sung men vi sinh (vi sinh vật có lợi) vào đường tiêu hóa giúp tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng, ức chế sự phát triển các vi sinh vật có hại, nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, giúp cho lợn khỏe mạnh, lớn nhanh; giảm mùi hôi của phân, giảm khí độc chuồng trại…

Sau 04 tháng triển khai thực hiện, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của mô hình đã đạt và vượt so với yêu cầu của mô hình. Lợn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, không bị bệnh trong suốt thời gian nuôi nên không phải sử dụng các loại kháng sinh để điều trị bệnh; tỉ lệ nuôi sống đạt 100%, khối lượng bình quân đạt > 100 kg/con; tiêu tốn thức ăn tinh/kg tăng trọng < 2,4 kg; chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Trong thời gian thực hiện mô hình, do giá lợn giống mua vào để làm mô hình và giá thức ăn công nghiệp tăng cao trong khi giá lợn hơi trên thị trường tại thời điểm kết thúc mô hình giảm xuống ở mức rất thấp (có nhiều tỉnh, thành phố giá xuống 32-35.000 đ/kg) nên người chăn nuôi lợn trên cả nước bị thua lỗ nặng.

Tuy vậy, lợn nuôi theo kỹ thuật của mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi không theo mô hình bình quân khoảng 1.290.000 đồng/con (ở Lệ Thủy) và 1.900.000 đồng con (ở Tuyên Hóa) do giá bán thịt lợn hơi từ mô hình cao hơn từ 4.000-6.000 đồng/kg so với giá lợn hơi trên thị trường trong cùng thời điểm; tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương với giá thành thấp hơn so với thức ăn công nghiệp; tiết kiệm được chi phí mua thuốc kháng sinh, hóa chất tiêu độc, khử trùng; tiết kiệm được chi phí điện, nước, công dội rửa chuồng; ngoài ra còn thu được nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Như vậy, mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, phòng bệnh hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi, cung cấp sản phẩm thịt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng và đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái trong cộng đồng dân cư, góp phần phát triển chăn nuôi ổn định và bền vững.