Quảng Bình là địa phương có thế mạnh về biển, với bờ biển dài trên 116 km, có cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La; vịnh Hòn La có diện tích mặt nước 4 km2, độ sâu trên 15 m, xung quanh có các đảo che chắn, có thể cho phép tàu 3-5 vạn tấn vào cảng mà không cần nạo vét. Bờ biển có nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền tạo cho Quảng Bình có một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn.

img 4475 1.jpg
Quảng Bình xác định phát triển bền vững kinh tế biển, trọng tâm là phát triển mạnh du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản...

Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của một tỉnh ven biển, Quảng Bình quy hoạch phát triển vùng ven biển thành 3 vùng: Vùng biển và ven biển phía Bắc (từ Đèo Ngang đến Bắc sông Gianh); vùng biển và ven biển trung tâm (từ Nam sông Gianh đến xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh); vùng biển và ven biển phía Nam (từ Nam xã Hải Ninh đến Hạ Cờ, giáp tỉnh Quảng Trị).

Quảng Bình cũng đã chú trọng thu hút các nguồn lực để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, như: cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đường ven biển...; phát triển hệ thống đô thị ven biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh. Hiện nay, các dự án hạ tầng quan trọng đã và đang triển khai, như: Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình, Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; Hệ thống đường ngang kết nối đường ven biển và kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp mới; Cảng Hàng không Đồng Hới đang được đầu tư mở rộng, được Chính phủ xem xét để nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế... sẽ là động lực để tỉnh tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là khai thác tiềm năng của tỉnh ven biển.

Để triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Bình đã ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển. Với mục tiêu sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình xác định phát triển bền vững kinh tế biển, trọng tâm là phát triển mạnh các ngành kinh tế biển như du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản; hậu cần nghề cá; năng lượng tái tạo; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới.

Đặc biệt mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là giai đoạn 2021-2030, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là nền kinh tế năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây (hướng ra biển). Phát huy hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; định vị Quảng Bình là điểm đến hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú, nơi nghỉ dưỡng và giải trí thể thao cao cấp gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững.

Về mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng GRDP bình quân từ 8,4 - 8,8%/năm; cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 38,0 - 38,5%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 45,0 - 45,5%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12,5 - 13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 3,5 - 4%.

Theo quy hoạch, hai trung tâm động lực tăng trưởng gồm Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch khu vực Đông Nam Á; Khu Kinh tế Hòn La trở thành Khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.

Ba hành lang kinh tế gồm hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1A, đường ven biển; hành lang kinh tế Đông - Tây dọc quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; và hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 15 - 20% GRDP của tỉnh; kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố ven biển ước đạt 85 - 90% GRDP của tỉnh. Có từ 50% trở lên diện tích vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển.

100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV